5,6 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản trong 7 tháng

Vạn Xuân |

Với số vốn trên, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ hai trong 7 tháng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7, cả nước có 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017; có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỷ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng trong 7 tháng năm 2018, cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ 2017.

Tính chung trong 7 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo lĩnh vực đầu tư, trong 7 tháng năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,69 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Theo đối tác đầu tư, trong 7 tháng có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,88 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,73 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư...

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư.

TP.Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 4,12 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 2,15 tỷ USD chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư...

Như vậy, tính lũy kế đến ngày 20/7/2018, cả nước có 26.214 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,03 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 182,22 tỷ USD, bằng 54,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Theo lĩnh vực, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 189,77 tỷ USD, chiếm gần 57% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 56,33 tỷ USD (chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 22,7 tỷ USD (chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại