123 nước có thể tham gia bắt ông Netanyahu sau lệnh của ICC: Israel liên tục cầu cứu, Mỹ hành động khẩn

Tùng Chi |

Thủ tướng Israel Netanyahu căng thẳng bất thường do nguy cơ bị áp lệnh bắt giữ, và đang "tiến hành các cuộc điện đàm không ngừng nghỉ" nhằm tìm "cứu binh" ngăn chặn ICC hành động.

Căng thẳng bao trùm Nội các Israel

Theo tờ Haaretz (Israel), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể sẽ ban hành lệnh bắt giữ trong tuần này nhằm vào Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cùng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Tư lệnh quân đội Herzl Halevi.

Hiện tại, bầu không khí căng thẳng đang bao trùm Nội các Israel. Bộ Tư Pháp và luật sư quân đội Israel đang gấp rút tiến hành các biện pháp có thể nhằm ngăn chặn ICC ban hành lệnh bắt giữ.

Trong khi đó, một số chuyên gia pháp lý chỉ trích rằng, hai cơ quan này phải chịu một phần trách nhiệm vì đã không nỗ lực để ngăn chặn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của các quan chức Tel Aviv.

123 nước có thể tham gia bắt ông Netanyahu sau lệnh của ICC: Israel liên tục cầu cứu, Mỹ hành động khẩn- Ảnh 1.

ICC đang điều tra các hành vi của Israel ở Bờ Tây và Gaza. Ảnh: Daily Mail

Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer, cùng các nước phương Tây đang nỗ lực thuyết phục ông Karim Khan - công tố viên của ICC - trì hoãn ban hành lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, không rõ họ có thể thành công hay không.

Theo EuroNews, ICC đang điều tra các hành vi của Israel ở Bờ Tây và Gaza. Giới chức Israel cho rằng, lệnh bắt giữ sẽ được áp dụng với ông Netanyahu, ông Gallant và ông Halevi, trong khi cấp dưới của họ sẽ được tha.

Khác với Tòa án Công lý Quốc tế - nơi đang xét xử vụ kiện do Nam Phi đệ trình nhằm chống lại Israel, ICC xử lý các vụ kiện chống lại cá nhân. Thế nhưng, tương tự như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Iran và hầu hết các nước Ả Rập, Israel công nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế nhưng không công nhận ICC.

Nếu lệnh bắt giữ được ban hành, mỗi quốc gia thành viên của ICC (bao gồm 123 nước) có nghĩa vụ bắt giữ và giao nộp các đối tượng bị truy nã cho ICC một khi những đối tượng này đi vào lãnh thổ của họ.

Theo cựu Thứ trưởng Tư Pháp Israel Roy Schondorf, việc ban hành lệnh bắt giữ có thể dẫn đến những động thái chống lại Israel như cấm vận vũ khí hay trừng phạt kinh tế.

Trước đó, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin do cuộc chiến ở Ukraine. Kết quả là nhà lãnh đạo Nga không thể đến thăm những quốc gia mà ông có nguy cơ bị bắt giữ tại đó.

Mỹ quyết định vào cuộc

Theo tờ Times of Israel ngày 28/4, chính phủ Israel đang cùng Mỹ "nỗ lực phối hợp" nhằm ngăn chặn hành động của ICC.

Washington đang tiến hành "các nỗ lực ngoại giao cuối cùng nhằm ngăn chặn Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức Israel khác".

Thông tin này được đưa ra không bao lâu sau khi truyền thông Israel cho biết, Thủ tướng Netanyahu đang "trong tình trạng căng thẳng bất thường" do nguy cơ bị áp lệnh bắt giữ, và đang "tiến hành các cuộc điện đàm không ngừng nghỉ" nhằm tìm "cứu binh" ngăn chặn ICC hành động.

123 nước có thể tham gia bắt ông Netanyahu sau lệnh của ICC: Israel liên tục cầu cứu, Mỹ hành động khẩn- Ảnh 2.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở trong tình trạng căng thẳng bất thường do lo ngại nguy cơ bị ICC phát lệnh bắt giữ. Ảnh: KT

Tương tự như Israel, Mỹ không phải là thành viên của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế. Song, nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Israel đã lên tiếng phản đối cuộc điều tra của ICC về Palestine ngay từ đầu.

Trong tuyên bố đưa ra vào năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng, ICC "không có thẩm quyền trong vấn đề này", bởi Israel "không phải là bên tham gia Quy chế Rome".

Tuy nhiên, mâu thuẫn ở chỗ, chính quyền ông Biden đã lên tiếng ủng hộ quyết định bắt giữ ông Putin của ICC dù cả Nga và Ukraine đều không tham gia Quy chế Rome.

Các báo cáo về khả năng ICC ban hành lệnh bắt giữ đối với quan chức Israel cũng làm dấy lên hồi chuông báo động tại Mỹ.

Thông qua bài đăng trên mạng xã hội ngày 26/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson kêu gọi rằng, ICC "nên từ bỏ ý định ngay lập tức".

Trong bài xã luận đăng cùng ngày hôm đó, tờ Wall Street Journal cho rằng, chính phủ Mỹ và Anh "cũng có nguy cơ thấy người của mình nằm dưới họng súng", nếu họ không cảnh báo công tố viên Karim Khan về ý định bắt giữ các quan chức Israel.

Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền và chuyên gia pháp lý "đe dọa" rằng, ông Biden và nhiều quan chức Mỹ có thể phải chịu trách nhiệm theo luật quốc tế, nếu họ tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Song, theo ông Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành của Viện Quincy, chính quyền ông Biden "hoàn toàn không có lý do gì để tham gia vào việc này". Thế nhưng một lần nữa, ông Biden lại đứng ra "bảo vệ ông Netanyahu khỏi hậu quả mà vị chính trị gia này đã phạm phải".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại