Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi có những tuyên bố lịch sử

Dưới đây là ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại Phi-li-pin và dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Ðông Á 2014.

Cất cánh từ Hà Nội, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm, làm việc tại Phi-li-pin và dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Ðông Á 2014 bay qua Biển Ðông, giữa khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, bầu trời và mặt nước xanh ngắt, điểm xuyết lẫn những đám mây trắng muốt, nao nao khó tả.

Sau ba tiếng bay, vượt hơn 2.300 km, Ðoàn tới Ma-ni-la, thủ đô Phi-li-pin, nơi giao thoa cổ kính xen lẫn hiện đại. Thành phố bên bờ vịnh Ma-ni-la còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc đặc trưng Tây Ban Nha với những nhà thờ, pháo đài, biệt thự cổ, nhất là khu vực thành In-tra-mu-rốt được xây dựng từ thế kỷ 16.

Việt Nam và Phi-li-pin có nhiều nét tương đồng về văn hóa, con người và lịch sử. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất và đi vào chiều sâu. Chuyến thăm làm việc tại Phi-li-pin của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hai nước. Tại Phủ Tổng thống - Cung Ma-la-ca-nan, Tổng thống B.A-ki-nô đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân tình và trọng thị. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp trên tinh thần cởi mở, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thời gian lâu hơn dự kiến khá nhiều. Hai nước cùng là quốc gia biển, đang gặp những thách thức lớn với chủ quyền, an ninh biển, vấn đề Biển Ðông trở thành một trong những chủ đề chính trong cuộc làm việc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống A-ki-nô chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Ðông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), xâm phạm nghiêm trọng vùng biển các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và đưa nhiều tàu hộ tống, bảo vệ xâm phạm sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Ðông. Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), phấn đấu sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).

Nhiều báo hàng đầu Phi-li-pin ra sáng 22-5 đăng bài và ảnh nổi bật trên trang nhất về chuyến thăm làm việc, tham dự WEF Ðông Á 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tờ The Philippine Star (Ngôi sao Phi-li-pin) đăng bài và ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống B.A-ki-nô tươi cười bắt chặt tay nhau, với hàng tít lớn "Phi-li-pin, Việt Nam phản đối sự xâm phạm của Trung Quốc". The Manila Times (Thời báo Ma-ni-la) có bài "Việt Nam, Phi-li-pin phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc". Các bài báo nêu đậm thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quan điểm, lập trường đối với vấn đề Biển Ðông. Trong văn bản trả lời một số hãng thông tấn quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ. Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế...

Lãnh đạo hai nước cũng bàn biện pháp và lộ trình xây dựng tiến tới quan hệ Ðối tác chiến lược; ưu tiên mở rộng hợp tác biển, coi đây là trụ cột trong quan hệ song phương. Tổng thống Phi-li-pin mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh với Việt Nam, góp phần vì hòa bình, ổn định trong khu vực. Hai nước đối mặt thách thức chung với tư cách là quốc gia biển và là thành viên ASEAN, việc tăng cường hợp tác giúp hai nước bảo vệ tốt hơn nguồn lợi thủy sản. Cảnh sát biển hai bên đã tăng cường hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu, trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, tìm kiếm cứu nạn, chống các hoạt động phi pháp trên biển, các vùng lân cận giữa hai nước.

Tại tiệc chiêu đãi Ðoàn Việt Nam, bày tỏ sự xúc động sau khi đến đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đặt ở Công viên ASEAN trong khu thành cổ In-tra-mu-rốt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định mạnh mẽ: Tinh thần cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Anh hùng dân tộc Phi-li-pin Hô-xê Ri-dan sẽ mãi soi sáng cho hai dân tộc chúng ta tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Phi-li-pin. Lãnh đạo hai viện Quốc hội Phi-li-pin đều bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Ðông. Ngay khi bắt đầu cuộc hội kiến, Chủ tịch Hạ viện P.Ben-môn-te bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ông cho biết, các nghị sĩ gốc Hoa tại Hạ viện Phi-li-pin cũng phẫn nộ về hành động này. Từ những việc Trung Quốc đã và đang làm với hai nước, nếu các nước không đoàn kết ngăn chặn, các quốc gia khác có thể là những nạn nhân tiếp theo khi Trung Quốc đang cố hiện thực hóa cái gọi là "đường 9 đoạn" phi pháp.

Tại phiên khai mạc WEF Ðông Á 2014, trước đông đảo cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: Không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và lạc quan về tương lai hợp tác phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng cũng nêu bật tầm quan trọng của Biển Ðông, hơn ba phần tư khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và hai phần ba số đó đi qua Biển Ðông. Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này; và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, có thể đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới đã chia sẻ và ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp luật pháp quốc tế. Ðồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ quý báu này. Sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Tại các phiên họp, tiếp xúc lãnh đạo các nước và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn ở Việt Nam và cam kết bảo hộ lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, phù hợp luật pháp. Hội nghị WEF Ðông Á 2014 ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực và vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn Việt Nam trong việc đề xuất và triển khai các sáng kiến chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.

Chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Phi-li-pin. Ðồng thời, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn chính nghĩa, thiện chí hòa bình của Việt Nam trong nỗ lực vì Biển Ðông hòa bình và ổn định, đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại