9 quốc gia lên tiếng phản đối Trung Quốc

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hàng loạt quốc gia đã lên tiếng phản đối.

Indonesia: Phản bác luận điểm của Trung Quốc về biển Đông

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã lần lượt phản bác một số quan điểm từng được Trung Quốc dùng để ngụy biện cho hành động gây căng thẳng với Việt Nam tại khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014 đến nay. Ông Marty Natalegawa đã gián tiếp phê phán Trung Quốc vi phạm bản Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Đồng thời nhấn mạnh: "Trung Quốc phải thực hiện cam kết mà họ thường đưa ra là thực thi DOC, Trung Quốc tự kiềm chế là điều rất cần thiết". Theo thông tin trên tờ Tuổi Trẻ.

Nhật: Chỉ trích sự bành trướng của Trung Quốc

Báo giới trong nước đưa tin, theo hãng tin Jiji (Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản Abe mới đây đã lên tiếng chỉ trích sự bành trướng quân đội và những hành động gây hấn của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Trong một diễn biến khác, ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, vụ việc căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông là do hành động đơn phương từ phía Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại Tokyo như sau: “Tôi xem vụ việc này như một ví dụ điển hình cho những hành động khiêu khích tự phát và liên tục trên biển của Trung Quốc”.

Mỹ: Hàng loạt động thái phản đối Trung Quốc

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của giới chức Mỹ về những hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông lưu ý rằng, sự ổn định và hòa bình tại khu vực đang bị hủy hoại.

Ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương cho rằng, các diễn biến ở biển Đông hiện nay là những hành động của Trung Quốc nhằm “giành giật chủ quyền một cách phi pháp và việc xây dựng trên đảo Gạc Ma là hành động nhằm quân sự hóa các hòn đảo tranh chấp để làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền”. Các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực. (Theo thông tin trên tờ Tiền Phong)

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain trong thông cáo của đăng tải trên trang mccain.senate.gov cho rằng, việc tàu Trung Quốc bao vây và đâm vào các tàu của cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở luật pháp quốc tế. Sự thực là hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc.

Tờ Vietnam+ đưa tin, ngày 16/5, Nhà Trắng tuyên bố quyết định hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc tại Biển Đông là hành động khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Phát ngôn viên Nhà Trắng (Mỹ) khi trả lời báo giới đã nói: "Chúng tôi coi hành động đó mang tính khiêu khích và hủy hoại mục tiêu mà chúng ta cùng chia sẻ”.

Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tái khẳng định quan điểm của Mỹ rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển nói trên là “gây hấn và vô ích” đối với an ninh trong khu vực.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf nói: "Chúng tôi hết sức quan ngại về cách hành xử nguy hiểm và hăm dọa kiểu này”.

Tàu Trung Quốc đâm gãy lan can tàu cảnh sát biển Việt Nam trong sáng 13/5. (Ảnh từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam).

Pháp: Nguyên Thượng nghị sĩ Pháp nói Trung Quốc “biến mọi chuyện thành việc đã rồi”

Nguyên Thượng nghị sĩ Pháp, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt - bà Hélène Luc nói: “Tôi đã rất thất vọng khi thấy Trung Quốc thực hiện hành động gây hấn để biến mọi chuyện thành việc đã rồi với mục đích xâm chiếm một nơi ngay gần các hòn đảo nổi mà từ lâu đã thuộc về Việt Nam. Trung Quốc cần phải tôn trọng các cam kết, các công ước mà họ đã ký”. (Theo thông tin trên tờ Infonet)

Philippines: Trung Quốc vi phạm tuyên bố chung với ASEAN

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hôm 19/5 đã lên án Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Theo điều 5 của DOC, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN phải “tự kiềm chế” thực hiện những hành động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực. Ông này cũng cho biết, sẽ nêu vấn đề này với các lãnh đạo tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới sắp diễn ra tại Manila.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 21/5 tại thủ đô Manila, Tổng thống Philippines một lần nữa kịch liệt lên án động thái khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông.

Ý: Quan chức ngoại giao nói việc đặt giàn khoan là mưu đồ của Trung Quốc

Cựu quan chức ngoại giao Ý Sergio Romano nhận định, vụ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam cho thấy Trung Quốc không chỉ có mưu đồ độc chiếm biển Đông mà còn muốn thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và giấc mộng “đế quốc”.

Đức: Chuyên gia khẳng định Trung Quốc vi phạm các quy định về luật biển quốc tế

Tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị ở Berlin cho rằng, Trung Quốc có động cơ chính trị khi tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) gần bờ biển Việt Nam. hành động nêu trên của Trung Quốc không phải là việc làm đầu tiên của nước này nhằm thực hiện yêu sách lãnh thổ chiếm tới gần 80% tổng diện tích biển Đông với đường chín đoạn của họ.

Ông này khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định về luật biển quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như vi phạm DOC mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký tháng 11/2002. Tờ Vietnam+ đưa tin.

Tàu 46001 của Trung Quốc đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh Tuổi trẻ)

Nga: Lên tiếng kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich khi nói với báo giới hôm 15/5 cho biết, Nga theo sát tình hình ở Biển Đông và hy vọng tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế trước tình hình căng thẳng hiện nay.

Singapore: ASEAN sẽ can dự vào vấn đề biển Đông

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Nikkei tại Nhật Bản đã khẳng định, biển Đông là một trong những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc. Vì sự ổn định của khu vực, ASEAN sẽ can dự vào vấn đề biển Đông. Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Singapore ngày 7/5 cho biết, nước này quan ngại về tình hình ở biển Đông sau vụ tàu Trung Quốc đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam ở biển Đông. Singapore cũng kêu gọi các bênh tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

>> Xem thêm clip: Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về an ninh biển

Bản tin VTV - Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về an ninh biển. Nguồn VTV/QPVN

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại