15 tiếng từ Bangkok đến Côn Minh: Siêu dự án Trung Quốc xuyên 2 nước ASEAN, một ngành Việt Nam gặp khó

Hữu Hiển |

Việc kết nối Đường sắt Trung Quốc - Lào với Đường sắt Thái Lan sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ và nền kinh tế giữa ba nước.

Vận chuyển hàng hóa Bangkok - Côn Minh chỉ mất 15 tiếng

Trang BenarNews (Bangladesh) đưa tin, vào cuối tháng 1, trong chuyến thăm Thái Lan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin rằng, hai nước cần đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đang bị trì hoãn để nối liền hai nước.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, "hai bên cần cùng nhau thúc đẩy hợp tác 'Vành đai, Con đường' chất lượng cao, đẩy nhanh việc xây dựng Đường sắt Trung Quốc-Thái Lan và mở tuyến trung tâm của Đường sắt xuyên Á". Hai nước cũng cần "hiện thực hóa kết nối khu vực và thúc đẩy sớm thực hiện tầm nhìn phát triển liên kết của Trung Quốc, Lào và Thái Lan, nhằm tạo động lực mới và mở ra không gian mới cho sự phát triển lâu dài của hai nước".

15 tiếng từ Bangkok đến Côn Minh: Siêu dự án Trung Quốc xuyên 2 nước ASEAN, một ngành Việt Nam gặp khó- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt cao tốc dài 873 km được đề xuất sẽ kết nối Bangkok với Nong Khai của Thái Lan, giáp biên giới với Lào (Hình minh họa bằng AI)

Theo trang The Diplomat, tuyến đường sắt cao tốc dài 873 km được đề xuất sẽ kết nối Bangkok với Nong Khai của Thái Lan, giáp biên giới với Lào, nơi nó sẽ kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào, một dự án trọng điểm trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai, Con đường" đã bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021.

Khi việc kết nối 2 tuyến đường sắt hoàn thành, hành khách sẽ có thể di chuyển bằng tàu cao tốc từ Bangkok tới Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ khi khởi động vào năm 2014, dự án đường sắt này đã bị chậm tiến độ do nhiều trở ngại trong việc thiết kế và cấp vốn cho tuyến đường.

Tờ Bangkok Post đưa tin, chính phủ Thái Lan dự kiến đưa tuyến đường sắt đi vào hoạt động vào năm 2028.

Theo China Daily, vào tháng 12/2014, chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ về hợp tác cơ sở hạ tầng đường sắt trong khuôn khổ "Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Thái Lan 2015-22". Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan và Trung Quốc. Mục tiêu của bản ghi nhớ là biến Thái Lan thành trung tâm giao thông trong khu vực và tăng cường kết nối giữa Trung Quốc, Thái Lan và các thành viên khác của ASEAN thông qua Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI).

Theo Ủy ban Đầu tư Thái Lan, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Thái Lan, đóng góp 24% FDI của Thái Lan theo giá trị, với tổng cam kết đầu tư là 97,4 tỷ baht (2,84 tỷ USD) cho 264 dự án trong 9 tháng đầu năm 2023.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha từng cho biết, việc kết nối chuỗi cung ứng đầu tư, công nghệ và sản xuất giữa Thái Lan và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là kết nối Đường sắt Trung Quốc - Lào với Đường sắt Thái Lan, sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ và nền kinh tế giữa ba nước.

15 tiếng từ Bangkok đến Côn Minh: Siêu dự án Trung Quốc xuyên 2 nước ASEAN, một ngành Việt Nam gặp khó- Ảnh 2.

Sau 2 năm kể từ khi chính thức vận hành từ tháng 12/2021, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào đã vận chuyển khoảng 24,2 triệu lượt hành khách. Ảnh: Global Times

Theo China Daily, Thái Lan có một số loại sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu hơn nữa sang Trung Quốc, bao gồm trái cây, polymer, phụ tùng ô tô và thịt gà đông lạnh.

Một khu vực có cơ hội trở thành thị trường xuất khẩu mới cho Thái Lan là phía tây Trung Quốc, vì nơi đây có đông đảo người Hồi giáo thích ăn thịt bò và vị trí địa lý xa biển khiến hải sản trở nên đắt đỏ do chi phí vận chuyển. Theo China Daily, nếu Thái Lan có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu cả hai sản phẩm này thì sẽ tạo ra một nguồn thu nhập lớn cho nước này.

Các sản phẩm mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao bao gồm máy móc, sản phẩm ngũ cốc, nước cốt dừa, nước chấm, đường và kẹo, nước hoa và mỹ phẩm… Theo China Daily, nếu Thái Lan có thể mở rộng thêm kênh bán hàng cho những sản phẩm này, điều đó sẽ giúp sản phẩm dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng Trung Quốc và tăng thị phần trong tương lai.

Thị trường Thái Lan cũng có nhu cầu về nhiều loại sản phẩm từ Trung Quốc, bao gồm nguyên liệu thô cho nhiều ngành công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, hóa chất và linh kiện viễn thông, linh kiện máy tính, nhựa, rau quả xứ lạnh, đồ điện tử và sản phẩm thời trang.

China Daily nhận định, nhiều sản phẩm về cơ bản phụ thuộc vào dịch vụ hậu cần hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Logistics kém hiệu quả sẽ làm tăng chi phí thương mại và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm và nông sản, vốn là những sản phẩm chính mà Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sau khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Thái Lan hoàn thành, cả hai bên sẽ có thể vận chuyển hàng hóa và sản phẩm giữa Bangkok và Côn Minh chỉ mất 15 tiếng.

Cơ hội và thách thức cho đường sắt Việt Nam

Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định đường sắt biên giới vào năm 1992. Đường sắt Việt Nam đã có kết nối với đường sắt Trung Quốc qua hai tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường và Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc, tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có tuyến Đồng Đăng – Bằng Tường là kết nối thẳng còn tuyến Lào Cai – Sơn Yêu/Hà Khẩu Bắc chưa triển khai được việc vận chuyển hàng hóa đi châu Âu vì hai bên khác nhau về khổ đường sắt (phía Việt Nam là khổ đường 1.000 mm, còn phía Trung Quốc là 1.435 mm).

Những tháng cuối năm 2023, Ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) liên tục đón những chuyến tàu hàng liên vận qua lại giữa đường sắt hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Riêng tháng 11/2023, thông qua cửa khẩu đường sắt này đã có 292 toa xe, với 8.323 tấn hàng xuất từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc sang nước thứ ba, chủ yếu là hàng thực phẩm, đồ gỗ, hàng điện tử, điện lạnh, gia dụng... Chiều hàng nhập cũng có 378 toa xe, với hơn 12.900 tấn hàng hóa các loại.

Còn tại cửa khẩu đường sắt Ga liên vận quốc tế Lào Cai, các đoàn tàu liên vận chủ yếu vận chuyển quặng sắt, linh kiện điện tử, phân bón, sắt thép, than cốc...

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế chung, nhưng khối lượng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế giữa hai nước vẫn đạt hơn 600.000 tấn.

15 tiếng từ Bangkok đến Côn Minh: Siêu dự án Trung Quốc xuyên 2 nước ASEAN, một ngành Việt Nam gặp khó- Ảnh 4.

Lễ khai trương một ga tàu liên vận từ Việt Nam đi Trung Quốc. Ảnh: VNR

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam từng chia sẻ tại Diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) vào tháng 2/2023 rằng, việc Trung Quốc mở tuyến đường sắt trực tiếp đến Lào - Thái Lan sẽ làm tăng sức cạnh tranh lên xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam, bao gồm: rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu chúng ta không sớm triển khai được các chuyến tàu liên vận quốc tế mà vẫn sử dụng đường bộ như hiện nay thì cơ hội cạnh tranh với Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, cơ quan đường sắt hai bên sẽ tiếp tục triển khai đàm phán, ký kết Hiệp định Đường sắt biên giới Việt - Trung thay thế cho Hiệp định đường sắt biên giới ký năm 1992, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy giao thương kinh tế giữa hai nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi để nâng cao hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế.

Sau khi nghiên cứu, phía Việt Nam đã thông báo với phía bạn về phương án kết nối của phía Việt Nam cũng trùng với phương án đề xuất của phía Trung Quốc. Tới đây, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán phương án nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc; đồng thời, thống nhất thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.

Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc vào tháng 12/2023 cho biết, kể từ khi chính thức vận hành từ tháng 12/2021, sau 2 năm, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào đã vận chuyển khoảng 24,2 triệu lượt hành khách và 29,1 triệu tấn hàng hóa, trong đó có 6 triệu tấn là hàng hóa xuyên biên giới.

Dịch vụ tàu khách quốc tế giữa Côn Minh - thủ phủ của tỉnh Vân Nam - đến Viêng Chăn bắt đầu hoạt động từ ngày 13/4/2023. Kể từ đó, khoảng 95.000 hành khách từ 72 quốc gia và khu vực đã sử dụng dịch vụ này để đi lại giữa hai thành phố và số lượt hành khách quốc tế đã tăng từ khoảng 600.000 lên 1,1 triệu lượt/tháng.

Sự tiện lợi của dịch vụ đã thúc đẩy hoạt động đi lại của hành khách quốc tế tại Lào và cũng cải thiện hoạt động vận tải hàng hóa xuyên biên giới trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại