Tham dự cuộc họp về nhà ở xã hội với Thủ tướng, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup bày tỏ 4 mong muốn lớn

Minh Hằng |

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup, bày tỏ 4 mong muốn với Thủ tướng.

Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. 

Tham dự cuộc họp về nhà ở xã hội với Thủ tướng, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup bày tỏ 4 mong muốn lớn- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, sáng16/3. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup chia sẻ, trong thời gian qua, Công ty Vinhomes của Tập đoàn VinGroup đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ bổ sung thêm hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương. Bên cạnh đó, Tập đoàn VinGroup cũng đang tiếp tục tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP HCM và các tỉnh, thành phố khác.

Đại diện Tập đoàn VinGroup chia sẻ, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, có nhiều dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ khách hàng, cá nhân vay, mua, thuê nhà ở xã hội.

Tham dự cuộc họp về nhà ở xã hội với Thủ tướng, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup bày tỏ 4 mong muốn lớn- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup trình bày một số ý kiến và bày tỏ các đề xuất về phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: VGP

Qua thực tế triển khai, Tập đoàn VinGroup xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội. Hiện nay, số lượng thủ tục nhà ở xã hội đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Theo đó, các thủ tục chung hiện nay như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội kéo dài. Từ đó, tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai cho đến khi khởi công thường khoảng 2 năm.

Thứ hai, về cơ chế ưu đãi đối với các hạng mục thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội. Để dự án nhà ở xã hội thực sự là các khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ tiện ích nhằm nâng cao cuộc sống của người dân thì bên cạnh nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ phục vụ người dân là rất cần thiết. Cơ chế này đặc biệt cần thiết với nhà ở xã hội có quy mô lớn. Nhưng trên thực tế, chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng. Vì vậy, nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình này thì dễ dẫn đến tăng chi phí và tăng giá bán nhà ở xã hội.

Thứ ba, về xuất vốn đầu tư nhà ở xã hội. Trên cơ sở rà soát, xuất vốn đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng theo Quyết định số 610/QĐ-BSĐ ngày 13/2/2022 hiện đang thấp hơn so với xuất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại. Trong khi chi phí và xuất vốn đầu tư thực tế của nhà ở thương mại đang cao hơn xuất vốn đầu tư theo quy định. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhà ở xã hội và gây khó khăn về doanh thu cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội vì việc xác định giá bán phải dựa trên cơ sở xuất vốn đầu tư.

Thứ tư, về nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng, mua, thuê nhà ở xã hội. Trên thực tế, việc tiếp cận các nguồn vốn vay hiện nay vẫn chưa thuận lợi. Hơn nữa, mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng và để thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay còn cao. Cụ thể, đối với chủ đầu tư, mức lãi suất 8%/năm và khách hàng mua nhà ở xã hội là 7,5%/năm.

Tập đoàn VinGroup bày tỏ 4 mong muốn trước Thủ tướng

Để có thể thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án đầu tư nhà ở xã hội và giảm giá bán nhà ở xã hội, Tập đoàn VinGroup đề xuất một số mong muốn.

Thứ nhất, xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Thứ hai, xem xét ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Thứ ba, xem xét điều chỉnh lại xuất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế.

Thứ tư, xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê nhà ở xã hội. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, xem xét hoặc cấp bù chênh lệch lãi suất nếu chủ đầu tư thấy khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua nhà ở xã hội.

Sáng nay (16/3/2024), Thủ tướng tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến và kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự ở đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng và hiệp hội bất động sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại