1 người TQ 10 năm kiên trì vạch mặt "trò hề" Bắc Kinh ở Biển Đông

Yến Dương (TH) |

(Soha.vn) - Từ năm 2005, ông đã cho rằng những chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục.

Học giả Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu về Luật Biển của Trung Quốc, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương quốc gia Trung Quốc đã có hàng loạt lập luận thẳng thắn phản bác lại quan điểm của chính những quan chức nước này. Những điều này đã được ông lên tiếng trong nhiều năm liên tục.

Năm 2014: Trung Quốc bóp méo sự thật lịch sử

Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và liên tục gây rối tại khu vực này, học giả Lý Lệnh Hoa đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ.

Ở một bài viết trên trang blog cá nhân ngày 21/5/2014, ông Lý Lệnh Hoa viết:

“Truyền thông Trung Quốc đã đăng tải quá nhiều phát biểu vô trách nhiệm về những vấn đề về liên quan đến biển Đông. Họ chẳng hiểu gì Công ước 1982 hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), họ bỏ qua lý lẽ và thậm chí coi thường Công ước đã ký. Những gì họ nói, họ biết về “đường lưỡi bò” là vô cùng cẩu thả. Tất cả các đường ranh giới trên đất liền và hải phận trên thế giới đều là những đường liền mạch, rõ ràng, còn “đường lưỡi bò” chỉ là một vệt 9 đoạn đứt quãng quá mơ hồ…

Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Từ xa xưa cho đến tận đời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc vốn không quan tâm nhiều đến biển. Làm sao lại có thể dám nói rằng, người Trung Quốc từ xa xưa đã vươn ra hoạt động trên một vùng biển rộng đến hơn 200 vạn km2 mà Trung Quốc đang đòi hỏi hiện nay? Đấy là một sự ngụy tạo, bóp méo sự thật lịch sử". Theo thông tin trên báo điện tử Infonet.

Báo Tiền Phong đưa tin, trong bài đăng tải trên các trang mạng http://blog.163.com và http://blog.sina.com.cn lúc 15h01’ ngày 15/5/2014, ông Lý Lệnh Hoa viết: “Ngày 15/5/1996, chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước LHQ về luật biển năm 1982, vì vậy chúng ta cần phải hành xử theo khuôn phép của các điều khoản cơ bản và tinh thần của Công ước”. Theo đó, ông cho rằng, một số quan chức và chuyên gia, học giả Trung Quốc từ lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường 9 đoạn”, một mình một chợ, không đếm xỉa người khác.

Vị này đồng thời khẳng định: “Trung Quốc muốn phát triển kinh tế và nâng cao uy tín thì cần phải tích cực và chủ động giải quyết vấn đề Nam Hải (biển Đông), phải xác lập được cơ chế đàm phán, thương lượng song phương và đa phương hữu hiệu, được các nước liên quan cùng chấp nhận, thiết thực sớm chấm dứt cục diện xung đột dài ngày ở Nam Hải (biển Đông)”.

Trong một bài viết trên blog cá nhân tối 6/5 (đăng trên mạng sina.com), học giả Lý Lệnh Hoa cũng nhấn mạnh, Trung Quốc nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của UNCLOS), phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.

Năm 2013: Cái gọi là “đường lưỡi bò” hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế VN

Tờ Công an nhân dân viện dẫn: Ngày 13/8/2013, ông Lý Lệnh Hoa cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ thành kẻ thù chung của thế giới nếu tiếp tục những hành vi sai trái, ngang ngược, vô lý trong lập trường, chủ trương, yêu sách về biển Đông.

Ngày 3/8/2013, học giả này khuyến cáo, không thể trì hoãn mãi việc giải quyết vấn đề biển Đông và Trung Quốc cần giải quyết việc này với thái độ tích cực.

Ngày 3/7/2013, ông công bố một bản đồ phân định Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) liên quan đến các nước xung quanh Biển Đông thể hiện rõ các khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền theo cái gọi là “đường lưỡi bò” hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Năm 2012: Phải hủy bỏ đường 9 đoạn

Tại buổi hội thảo mang tên “Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và việc phân chia biên giới biển Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc thuộc báo điện tử Sina.com tổ chức và công bố hôm 27/8/2012, ông Lý Lệnh Hoa tuyên bố, Trung Quốc cần phải hủy bỏ “đường 9 đoạn” nếu không muốn tự biến mình thành “kẻ thù của nhiều nước”.

Ngày 24/11/2012, vị này đăng bài viết “Công ước quốc tế về Luật Biển 1982” trên blog cá nhân. Trong đó có đoạn: “Trung Quốc là nước đã ký và phê chuẩn Công ước, đến nay đã được 30 năm… Vậy mà cho đến hôm nay vẫn cố giữ “đường lưỡi bò” không có kinh độ, vĩ độ cụ thể ở Biển Đông”.

Ngày 20/8/2012, cũng trên blog cá nhân, ông Lý Lệnh Hoa đăng bài “Nhận thức mơ hồ và sai lệch về biên giới biển”, trong đó có viết: “”Đường 9 đoạn” chỉ là đường ảo, trong khi đường biên giới trên biển phải được quốc tế thừa nhận là có thực”.

Báo Công an nhân dân cũng đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng, tranh luận của vị này. Cụ thể, ngày 17/7/2012, Lý Lệnh Hoa cho đăng tải bài viết mới về thành phố Tam Sa với nhận xét "làm trò cười cho quốc tế", đồng thời kêu gọi từ bỏ ý tưởng này ngay lập tức.

Ông cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra "thành phố Tam Sa" là cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc.

Ngày 3/7/2012, ông Lý Lệnh Hoa cho đăng tải một bức bản đồ phân định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước trên biển Đông. Trong đó, ông chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng của Trung Quốc khi đòi chủ quyền "đường lưỡi bò" từ phần lãnh hải của Việt Nam.

Theo ông, tấm bản đồ này hoàn toàn đáng tin vì nó được vẽ dựa trên tinh thần của Công ước 1982, khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cách nói của Chính phủ Trung Quốc "quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phụ cận" quá mập mờ, ngay chuyện phụ cận bao nhiêu hải lý đều không thể nói rõ.

Năm 2011: Quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm về “đường lưỡi bò”

Trên Thời báo Hoàn cầu, tháng 6/2011, học giả này có bài viết: "Lập hàng rào rõ, để có quan hệ tốt với láng giềng". Ông cho rằng, việc coi "đường lưỡi bò" do chính quyền Trung Hoa dân quốc đơn phương vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm. Chủ trương đơn phương này không thể phát huy tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển Đông.

Năm 2005: Chứng cứ lịch sử tại biển Đông thiếu căn cứ

Báo giới trong nước cũng đưa tin, tháng 12/2005, trên báo Tin tức Ngư nghiệp của Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa công bố bài viết mang tựa đề: "Xung quanh vấn đề “đường lưỡi bò” và quy định về biên giới trên biển quốc tế". Trong đó, ông cho rằng những chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục.

Việc vẽ ranh giới như vậy không chỉ trùng lặp với vùng đặc quyền 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày một nóng, Trung Quốc không nên lẩn tránh và cũng không thể lẩn tránh câu hỏi của quốc tế về tính hợp pháp của "đường lưỡi bò".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại