Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ "con đường nhung lụa", đi đường gập ghềnh để trở thành bác sĩ

Ngọc Minh |

Khi bước vào cánh cửa đại học, PGS Dung đã được bố vẽ ra "con đường nhung lụa", tuy nhiên, cô đã chọn một con đường hoàn toàn khác.

Ảnh thiết kế: Phương Thanh.

Ảnh thiết kế: Phương Thanh.

Nổi tiếng về điều trị nội khoa hàng đầu cả nước, bệnh viện Bạch Mai ba năm trước thành lập Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Khoa mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân là một trong những thắc mắc mà tôi và nhiều bệnh nhân quan tâm. Và cuộc nói chuyện với PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, đã giúp tôi tìm được câu trả lời. 

Không những vậy, nữ Phó Giáo sư còn tiết lộ thêm về gia đình, hành trình đến với nghề y, trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình và những người đã "đồng hành" giúp đỡ chị trên con đường trưởng thành.

Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ

Ngọc Minh: Bệnh viện Bạch Mai nổi tiếng về điều trị nội khoa hàng đầu cả nước, vậy lý do gì chị quyết định về đây thành lập, phát triển Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và về chuyên môn khoa sẽ làm gì?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Không chỉ có bạn đặt ra câu hỏi đó với tôi đâu. Mà khi tôi về Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bác sĩ tại đây cũng đặt ra câu hỏi: "Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ sẽ làm gì ở đây?".

Vì mọi người vẫn nghĩ đơn thuần phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là chỉ có làm đẹp, mà không biết nó có thể tham gia vào chữa trị nhiều bệnh lý phức tạp.

Bệnh viện Bạch Mai có số lượng lớn bệnh nhân nặng về nội khoa dẫn đến khuyết phần mềm phức tạp nên nhu cầu phẫu thuật tạo hình gắn với bệnh lý cũng rất cao. Tôi lấy ví dụ đơn giản như thế này cho bạn dễ hiểu, bệnh nhân ung thư, gút, đái tháo đường, rắn cắn có khuyết phần mềm thì phẫu thuật tạo hình có thể giúp được họ. Tuy nhiên, trước kia khi bệnh viện chưa có khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh nhân phải chuyển tới các bệnh viện khác, sẽ rất vất vả và bất tiện. Vì thế, khi nhận được lời mời về Bệnh viện Bạch Mai phát triển khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tôi đã đồng ý. Khoa sẽ có lợi cho nhiều bệnh nhân và trở thành cơ sở lâm sàng chính của bộ môn phẫu thuật tạo hình trường Đại học Y Hà Nội.

Ngọc Minh: Đồng nghiệp chưa hiểu rõ khoa sẽ làm gì, chị đã giải quyết bài toán làm gì để có bệnh nhân đầu tiên ra sao?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Chúng tôi phải tự thân vận động, xin gặp giới thiệu về chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đến từng khoa, từng phòng ban trong bệnh viện. Thi thoảng chúng tôi xin giới thiệu một số ca bệnh trong các cuộc họp giao ban bệnh viện.

Nhiều người đã rất ngạc nhiên mắt chữ O mồm chữ A nói: "Ơ tao tưởng mày làm mỗi thẩm mỹ thôi" hay "Khoa Dung làm được cái này cơ à"…

Sau một năm kiên trì truyền thông nội bộ, các khoa phòng cũng biết được khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là chuyên ngành rộng. Giờ các khoa khác khi thấy bệnh nhân có khuyết phần mềm, hay có hình thể cần thay đổi hay đơn giản là khâu đẹp… đều chuyển tới khoa.

Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ

Ngọc Minh: Tôi được biết chị là trưởng bộ môn nữ đầu tiên của chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, trường Đại học Y Hà Nội. Có người nói chị được GS.Trần Thiết Sơn ưu ái…

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Chắc có thể tôi chịu khó nên các thầy cô và bạn bè đồng nghiệp thương yêu tín nhiệm.

Thầy luôn giúp đỡ tôi để tôi có cơ hội học tập và làm việc tốt nhất, nhưng trong số các học trò tôi cũng là người bị mắng nhiều nhất. Thậm chí đến giờ nhiều khi vẫn bị thầy mắng. Những lúc đó, tôi không giận thầy, vì biết rằng, thầy còn nhắc nhở, còn mắng là còn thương, còn lo lắng cho trò, cho khoa, cho bộ môn.

Ngọc Minh: Là học trò của GS.Trần Thiết Sơn chị có bao giờ cảm thấy áp lực hay không?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Đúng là rất áp lực bởi thầy tôi là một người luôn đòi hỏi rất cao ở học trò. Nhiều bài báo cáo khoa học ở trong và ngoài nước được các đồng nghiệp đánh giá cao, hết mực khen ngợi nhưng thầy tôi vẫn lắc đầu, chưa thật hài lòng. Những lúc đó, tôi chỉ biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Thêm vào đó, khi làm việc với thầy tôi cũng học hỏi rất nhiều từ chuyên môn tới phong cách, thái độ làm việc. Bề ngoài thầy có thể rất lạnh lùng nhưng lại là một người sống tình cảm và nhân văn. Thầy thường hết lòng và có trách nhiệm tới cùng với bệnh nhân.

Ngọc Minh: GS Sơn đã giúp đỡ chị khá nhiều trên con đường sự nghiệp, chị sợ trở thành cái bóng của thầy mình không?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Chắc chắn là không, mọi sự cố gắng làm việc của tôi đã được bệnh nhân, học viên, anh em bạn bè đồng nhiệp và cả các bậc tiền bối ghi nhận.

Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ

Ngọc Minh: Tôi nghe kể rằng, chị không chọn "con đường nhung lụa" do bố mẹ định sẵn để chọn đi một con đường gập ghềnh theo đuổi ngành y?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Thời điểm năm 1998 tôi có ba cơ hội, một là theo học Trường Đại học Y Hà Nội, hai là theo học ngành công nghệ sinh học tại Đại học Quốc gia, ba là học Sư phạm để trở thành cô giáo. Bố tôi nhìn thấy tiềm năng ở ngành công nghệ sinh học là một chuyên ngành mới, nhiều triển vọng, có thể nhanh chóng trở thành tiến sĩ và có nhiều cơ hội đi ra nước ngoài học tập và làm việc. Còn mẹ tôi thích tôi trở thành cô giáo, sau 4 năm ra trường lấy chồng, có cuộc sống an nhàn vì nếu nếu học ngành Y, bà sợ con mình sẽ ế chồng sau chục năm học đại học và sau đại học.

Bố đưa tôi tới trường Đại học Quốc gia nhập học chuyên ngành công nghệ sinh học và cũng không quên vận động hành lang để các thầy cô khuyên tôi "ngoan ngoãn" từ bỏ ý định học Đại học Y.

Học được 2 tuần tôi thấy buồn bã vì ước mơ thành bác sĩ đang dần tuột khỏi tầm tay nên quyết định chuyển sang Đại học Y Hà Nội.

Sang học ngành Y tôi mới thấy học hành rất vất vả. Tôi đã sốc vì chương trình quá nặng, đòi hỏi sinh viên phải học hành thực sự nghiêm túc. Phải mất cả năm tôi mới quen được cường độ học tập ở môi trường mới.

Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ

Ngọc Minh: Chị chọn hướng đi ngoại khoa chắc hẳn có lý do đặc biệt?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Thực ra, từ hồi nhỏ tôi đã thích làm bác sĩ phẫu thuật. Tôi cũng sớm có nhiều hình mẫu lý tưởng là các bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng thời đó cũng như các nhân vật là bác si khoa ngoại rất giỏi trên phim ảnh. Trong quá trình học y, tôi thích những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo nên bạn bè thường đùa bảo "mày rất hợp ngoại khoa".

Ngọc Minh: Chị chắc đã trải qua nhiều khó khăn để theo đuổi ước mơ sau khi bố gặp tai nạn?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Đó là thời gian tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Gia đình vì thế mà cũng rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Để có tiền đi học tiếp, tôi đi làm gia sư, trình dược…và được thêm bạn bè bao bọc. Cho đến giờ tôi vẫn biết ơn họ rất nhiều.

Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ

Ngọc Minh: Nhiều người nói làm bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thu nhập cao. Chị thì sao?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Ngành nào, chuyên ngành nào cũng có thể kiếm tiền nếu thực sự chăm chỉ và giỏi giang. Nghề nào muốn thành công cũng phải nỗ lực cố gắng và nhiều khi phải hy sinh nhiều thứ từ bản thân và gia đình.

Lâu nay, mọi người thường chỉ nghĩ "bác sĩ thẩm mỹ phẫu thuật và thu tiền, ít tai biến". Nhưng làm nghề mới thấy bác sĩ tạo hình thẩm mỹ chịu áp lực kinh khủng từ sự an toàn và sự hài lòng của bệnh nhân.

Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ

Ngọc Minh: Biến chứng trong ngành y là điều khó có thể tránh khỏi, có bài học xương máu nào chị rút ra từ sự thất bại trong phẫu thuật hay không?

PGS.TS.BS Phạm Thị Việt Dung: Một câu chuyện mà khi nhớ lại tôi vẫn luôn cảm thấy xấu hổ và tự nhắc bản thân không bao giờ tái phạm. Trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bác sĩ có thể linh hoạt mềm dẻo trong lựa chọn phương pháp can thiệp cho bệnh nhân. Có một lần, cũng là lần đầu tiền trong quá trình làm nghề, khi chỉ định phương pháp phẫu thuật tôi đã nghĩ tới lợi nhuận. Đúng ca đó, tôi gặp biến chứng mà nếu lựa chọn phương án khác, biến chứng có thể không xảy ra. Từ đó về sau tôi luôn làm theo nguyên tắc: "Tuyệt đối căn cứ vào chuyên môn chứ không bao giờ để bất cứ cái gì chi phối khi đưa ra chỉ định phẫu thuật".

Cảm ơn chị, chúc chị sức khỏe và thành công!

Nữ Phó Giáo sư kể chuyện từ bỏ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại