Non thiêng Yên Tử có một loài cây quý 700 năm tuổi, nằm trong Sách Đỏ: Chỉ xuất hiện ở 7 quốc gia

Trang Ly |

Cây này có một đặc điểm ai cũng yêu thích.

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) có một hàng cây cổ nhất Việt Nam: Cây hoàng đàn giả, với tuổi đời lên đến 700 năm.

Với đường kính thân cây lên đến 1 mét, chiều cao hơn 20 mét, hàng cây hoàng đàn giả cổ hơn 200 cây góp phần mang lại nét đẹp thấm đượm thời gian cho vùng non thiêng Yên Tử.

Hàng cây cổ, quý hiếm này chính là một trong những lý do khiến khách thập phương quyết định đi bộ lên đỉnh thiêng Yên Tử cao hơn 1.000 mét để thưởng ngoạn.

Non thiêng Yên Tử có một loài cây quý 700 năm tuổi, nằm trong Sách Đỏ: Chỉ xuất hiện ở 7 quốc gia- Ảnh 1.

Hoàng đàn giả có đường kính thân cây lên đến 1 mét. Chiều cao tối đa là 40 mét. Ảnh: Ahmad Fuad Bin Morad/Flickr

Non thiêng Yên Tử có một loài cây quý 700 năm tuổi, nằm trong Sách Đỏ: Chỉ xuất hiện ở 7 quốc gia- Ảnh 2.

Một đoạn hàng cây hoàng đàn giả cổ (cây xích tùng cổ) tại non thiêng Yên Tử. Ảnh: Giaoducthoidai/Minh Cương

Trung tâm dữ liệu thực vật Việt Nam thông tin, cây hoàng đàn giả (danh pháp khoa học: Dacrydium elatum) còn có các tên gọi khác là dương tùng; xích tùng; thông chàng; xà lò... Cây này thuộc họ Podocarpaceae (thông tre), một họ của thực vật hạt trần.

Theo Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), hoàng đàn giả là loài cây gỗ quý hiếm. Riêng gỗ cây có tính chất tốt, mịn, thớ thẳng, đẹp, hơi cứng, nặng trung bình. 

Hoàng đàn giả có thân thẳng, vỏ màu nâu và nhiều cành mảnh. Cây này phân nhánh nhiều cuối cùng phát triển thành tán rộng màu xanh xám, hình vòm.

Non thiêng Yên Tử có một loài cây quý 700 năm tuổi, nằm trong Sách Đỏ: Chỉ xuất hiện ở 7 quốc gia- Ảnh 4.

Dòng người đi bộ lên núi Yên Tử. Ảnh: Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Điều đặc biệt là, gỗ hoàng đàn giả có mùi thơm nhẹ, chịu uốn, ép. Dùng trong cầu, thuyền, đóng tàu, xây dựng và làm đồ mỹ nghệ. Vì có mùi thơm nên nó được sử dụng trong quá trình chưng cất tinh dầu hoặc làm nhang.

Hoàng đàn giả là một trong số 33 loài thông bản địa của Việt Nam. Loài cây này ưa sống trong rừng mưa nhiệt đới ở độ cao từ 400-2000 mét so với mực nước biển. Điều đáng nói là, hoàng đàn giả nằm trong danh sách các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng của Sách Đỏ Việt Nam.

Trên thế giới, cây hoàng đàn giả phân bố không nhiều. Nparks.gov.sg (website của Cơ quan chính phủ Singapore) cho biết, hoàng đàn giả được tìm thấy ở 7 quốc gia, gồm Myanma, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Ở Việt Nam, hoàng đàn giả là cây quý hiếm, chỉ gặp ở một số nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Quảng Ninh...

Tham khảo: Nparks.gov.sg, Giaoducthoidai, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại