Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng vừa bị bắt từng vướng sai phạm gì?

Duy Anh |

Trước ông Hoàng Quốc Vượng, 6 cán bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Hoàng Quốc Vượng bị bắt về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Chiều 4/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Quốc Vượng, 61 tuổi, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Hoàng Quốc Vượng bị bắt trong quá trình Cơ quan An ninh điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công thương.

Theo thông tin trên báo Người lao động, trong thời kỳ đảm nhiệm vị trí thứ trưởng Bộ Công Thương từ 2015 đến 2020, ông Hoàng Quốc Vượng được giao chỉ đạo công tác trong lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo, môi trường và phát triển bền vững, an toàn, công nghệ thông tin, phát triển thị trường...

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương  Hoàng Quốc Vượng vừa bị bắt từng vướng sai phạm gì?- Ảnh 1.

Bị can Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Bộ Công an.

Liên quan đến vụ án này, ngày 9/11/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Danh Sơn, 57 tuổi, giám đốc Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương  Hoàng Quốc Vượng vừa bị bắt từng vướng sai phạm gì?- Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Danh Sơn. Ảnh: Bộ Công an

Trước đó, ngày 5/11/2023, về cùng tội danh, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, tạm giam và khám xét chỗ ở với 5 bị can gồm: Trần Quốc Hùng (47 tuổi), Phó phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương; Trịnh Văn Đoàn (41 tuổi), chuyên viên phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng; Nguyễn Hữu Khải (46 tuổi), Trưởng Phòng kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đỗ Ngọc Tuyền (35 tuổi), chuyên viên Phòng Kinh doanh mua điện; Trương Hoàng Dũng (41 tuổi), chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương  Hoàng Quốc Vượng vừa bị bắt từng vướng sai phạm gì?- Ảnh 3.

5 cán bộ thuộc Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh Bộ Công an

Hiện, vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 34, từ ngày 18 - 20/12/2023 đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó, có xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Trong đó, ông Hoàng Quốc Vượng cùng nhiều lãnh đạo khác của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026, bị xác định có những vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; Tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; Lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do AIC thực hiện...

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ Công thương bổ sung nhiều dự án không có quy hoạch

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều vi phạm về quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó 92 dự án với tổng công suất 3.194 MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư. Có tới 15 trong số 23 tỉnh nêu trên không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020.

Cũng theo cơ quan thanh tra, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 850 MW.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư, trong khi không lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020 theo yêu cầu.

Thanh tra Chính phủ xác định, với việc phê duyệt 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW (cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh), trong đó đáng chú ý là phê duyệt riêng lẻ 137 dự án với tổng công suất 9.366 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020; tính đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu tư thực tế là 8.642 MW, cao gấp 10,2 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).

Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đã được đầu tư nhanh với công suất lớn (7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều này dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã tăng từ 1,4% lên 23,8%.

Những vi phạm nêu trên còn dẫn tới tổng công suất đặt nguồn điện mặt trời dự kiến vận hành thương mại trước năm 2020 đã ký hợp đồng mua bán điện là 5.088 MW, vượt xa mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW).

Cũng theo kết luận, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận sau khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm không đúng quy định.

Số tiền điện EVN phải thanh toán cho các chủ đầu tư này trong 2,5 năm (từ 2020 đến tháng 6/2022) tăng thêm hơn 1.480 tỷ đồng.

Đáng chú ý là sự không đồng bộ giữa việc bổ sung quy hoạch từng dự án, không có quy hoạch tổng thể và không đồng bộ với lưới điện đi kèm - với tiến độ xây dựng các công trình lưới điện từ 3 - 5 năm, chậm hơn nhiều so với tiến độ vận hành của điện mặt trời, dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, có khả năng gây quá tải cục bộ và trên diện rộng khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia lai, Đắk Lắk, buộc các nhà máy điện phải giảm phát.

Thực tế trên cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội...

Thanh tra Chính phủ xác định việc để xảy ra các vi phạm đã nêu thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại