Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ

Mạnh Mường |

Dân làng Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên bao năm đã quen với việc, hễ mưa to lại hò nhau, tập trung mang xô chậu chạy ra phía đầu làng, nơi căn nhà cấp 4 thấp dưới mặt đường để 'cứu' bà Chải và chị My.

Mẹ bị tai biến, con bị mù, sống trong căn nhà che được nắng nhưng không che được mưa

Cách cổng chào ngôi làng nghề truyền thống mang tên Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên) chừng 100 mét, bên tay trái có một ngôi nhà cấp 4 rất nhỏ, rất cũ, tường bong tróc loang lổ rất nhiều. Ngôi nhà rất thấp, nhìn tưởng chừng như đã từng bị tác động do sụt lún nên nền nhà thấp hơn mặt đường quá nửa mét.

Trong ngôi nhà ấy, có một người mẹ bị tai biến, tuổi đã cao, sức đã yếu và một người con bị mù từ bé không thể làm gì. Đó là chị Dương Thị My (SN 1967) và mẹ là bà Nguyễn Thị Chải (SN 1941).

Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ - Ảnh 1.

Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, cực kỳ xuống cấp này là nơi mà mẹ con bà Chải, chị My đang sống.

Ở thôn Đại Nghiệp, bà con làng xóm rất quý và thương hai mẹ con bà Chải – chị My. Người ta nói, chị My bị mù từ bé cũng không làm được gì, khi bà Chải còn khỏe thì lo lắng hết mọi việc. Nhưng từ những năm 2000 đến nay, cơn tai biến đã khiến sức khỏe bà Chải yếu dần và theo thời gian bà cũng lẫn rất nặng, không nhận ra con, cháu.

Mặc dù đã qua tuổi 82 nhưng khi chúng tôi hỏi thăm, trò chuyện thì bà Chải chỉ nhớ rằng, năm nay chừng 40 tuổi và nhớ là từng có chồng có con nhưng không biết mọi người ở đâu hết.

Chị My bị mù hoàn toàn từ bé, làm gì cũng khó khăn vô cùng nhưng thương mẹ nên giờ đây hàng ngày vẫn mò mẫm làm mọi thứ. Từ nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp...

Hai mẹ con hiện tại sống dựa hoàn toàn vào khoản trợ cấp tiền tuất người có công, mỗi người được 911.000 đồng/tháng.

Chị My nói, nếu chỉ ăn uống của hai mẹ con thì chỉ cần qua loa cũng xong. Nhưng lo nhất những lúc ốm đau, trái gió trở trời. Nhất là bệnh của bà Chải thường xuyên phải dùng thuốc để ổn định sức khỏe.

Trước hiên của ngôi nhà thấp lè tè, được phủ bằng nhiều tấm bao tải rách, có một chiếc tủ gỗ đã cũ, quây thêm lưới mắt cáo. Trong đó, có lưa thưa vài gói bim bim phủ bụi. Bên dưới chân tủ, có một chậu nước đang ngâm 9 thanh đậu phụ sống. Chúng tôi hỏi thì chị My nói rằng, đây là quầy hàng, chị sắm để bán thêm thu nhập.

Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ - Ảnh 2.

Chị Dương Thị My bên cạnh quầy hàng chỉ có mấy gói bim bim.

"Trưa nay, vừa bán được một thanh đậu phụ nên còn lại 9 thanh. Không dám lấy nhiều, sợ không bán hết. Toàn bán cho người làng và trẻ con, ai mua gì thì cứ tự bỏ tiền vào tủ thôi. Bim bim bán chậm lắm, có ngày bán được 1,2 gói, có ngày chả bán được gói nào. Giờ cũng chỉ mong ngày nào cũng bán được bim bim và ít đậu phụ để dành tiền, phòng lúc ốm đau", chị My cười nói, chia sẻ với chúng tôi.

Nhà bị ngập suốt nên hễ mưa to là cả làng sẵn sàng xô chậu 'ứng cứu'

Căn nhà cấp 4 cũ nơi hai mẹ bà Chải và chị My đang sinh sống, được làm từ năm 1993. Sau nhiều năm, đã bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2016, chính quyền địa phương đã xem xét, hỗ trợ kinh phí, giúp cho hai mẹ con sửa lại nhà theo chính sách dành cho gia đình người có công.

Tuy nhiên, đến nay, nhà đã xuống cấp trầm trọng. Tình trạng thực tế mà chúng tôi thấy khi đến đây khảo sát, đó là căn nhà cấp 4 rất cũ, tường ẩm mốc nặng, bị bong tróc nhiều chỗ để lộ cả lớp cát thô; mái tôn được lợp năm 2016 chồng lên mái ngói được lợp năm 1993.

Đặc biệt, so với mặt đường thì nền nhà của mẹ con chị My đang bị thấp hơn chừng 70cm. Gia đình đã bắc tạm mấy viên gạch để làm bậc lên xuống, kết nối với bên ngoài. Thành thử, từ mặt đường mà bước vào ngôi nhà này có cảm giác như bước xuống mật đạo.

Sở dĩ có tình trạng này là do, đường dân sinh nhiều lần được đắp, nâng cao nhưng nhà của chị My thì vẫn giậm chân tại chỗ do không có điều kiện để tôn nền. Hậu quả là, hễ mưa to là ngôi nhà bị ngập sâu, như một cái ao.

Hình ảnh cập nhật sau cơn mưa to, bà con hàng xóm vừa giúp bà Chải và chị My múc nước, lau dọn nhà cửa xong.

Như chia sẻ từ chị Dương Thị Lý (em gái chị My): "Tường nhà này trước đây xây bằng gạch non, có mình vôi, cát nên kém lắm rồi. Mà may là năm 2016 đã được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa, cơi nới nên mới được như thế này chứ không thì còn sập sệ hơn nhiều. Nhưng tình trạng bây giờ nhà che được nắng chứ không trú được mưa."

Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ - Ảnh 4.

Chị Dương Thị Lý (SN 1977) và chồng là anh Phạm Văn Thuấn (SN 1971) ngồi ở giữa đang trao đổi với ông Bùi Trọng Minh (đeo kính đen) - Phó chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội.

Bà con ở thôn Đại Nghiệp dường như cũng đã quá quen với việc, giúp mẹ con chị My tát nước từ trong nhà ra ngoài. Nên hễ cứ có mưa to, mọi người lại hô hoán nhau, tập trung sang nhà chị My, người tát nước, người lau dọn, di dời đồ đạc khỏi ướt.

Cô Nguyễn Thị Hợp (63 tuổi) ở ngay cạnh nhà nên hễ có mưa to thì thường là người chạy sang giúp đỡ đầu tiên. Cô nói rằng: "mẹ thì lẫn lại bệnh nặng, con thì mù, mưa to là nhà ngập chỉ sợ nhất điện đóm chập nguy hiểm."

Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ - Ảnh 5.

Cô Phan Thị Loan (bên phải) và cô Nguyễn Thị Hợp (63 tuổi) hàng xóm của hai mẹ con chị My.

Cô Phan Thị Loan (63 tuổi) hàng xóm nói thêm: "Thương nhất là những lúc đêm hôm, hai mẹ con bị nước vào nhà bủa vây, chỉ biết trong nhà kêu cầu sự hỗ trợ từ hàng xóm."

Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ - Ảnh 6.

Dù ở địa bàn bằng phẳng nhưng so với mặt đường, nền nhà chị My đang bị thấp hơn khoảng 70cm. Do đó, hễ mưa to là nước từ ngoài đường ồ ạt tràn vào nhà, gây ngập.

Khi chúng tôi về thăm mẹ con chị My, khảo sát thực tế tình trạng căn nhà thì có đại diện của các bên liên quan là Hội người mù TP Hà Nội, UBMTTQ huyện Phú Xuyên, Hội người mù huyện Phú Xuyên, UBND xã Tân Dân, UBMTTQ xã Tân Dân, bà con nhân dân và chính quyền thôn Đại Nghiệp.

Tại đây, ông Vũ Quốc Thương - Chủ tịch UBND xã Tân Dân cũng bày tỏ mong muốn, thông qua các kênh thông tin, kêu gọi sự chung ta giúp đỡ mẹ con chị My. Ông nói: "Hoàn cảnh chị My hiện tại hết sức khó khăn. Bản thân là người mù hoàn toàn, mẹ tuổi cao lại bị tai biến, lẫn rất nặng. Gia đình thuộc diện chính sách, người có công. Mong cộng đồng giúp đỡ mẹ con chị My có căn nhà được kín trên, bền dưới để an tâm sinh hoạt. Về phía địa phương cấp xã, chúng tôi sẽ trích 20 triệu đồng hỗ trợ hai mẹ con chị."

Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ - Ảnh 7.

Đại diện của các bên liên quan đến thăm hỏi hai mẹ con bà Chải, chị My và khảo sát tình trạng căn nhà.

Về phía gia đình, có anh Phạm Văn Thuấn (SN 1971), chị Dương Thị Lý (SN 1977) là em rể và em gái chị My. Hai vợ chồng họ thường xuyên có mặt và đôn đáo để lo cho mẹ và chị.

Qua chia sẻ, được biết, hiện tại, hai vợ chồng anh chị Thuấn – Lý cũng làm nghề giống như bao người dân trong làng. Tuy nhiên, sau dịch Covid mọi thứ trở nên khó khăn hơn.

"Dù rất thương mẹ và chị nhưng để đứng ra lo toàn bộ chi phí xây nhà thì quá sức vì hiện tại còn rất khó khăn, cũng còn nuôi 3 cháu học đại học. Nếu được mỗi người góp một chút, giúp đỡ mẹ và chị My thì vợ chồng tôi sẵn sàng góp vào tối thiểu 20 triệu, đồng thời lo quán xuyến mọi việc", anh Thuấn chia sẻ hết sức mộc mạc và đầy quyết tâm.

Chị Dương Thị My đã gần 60 tuổi và mẹ là bà Nguyễn Thị Chải (82 tuổi) ở thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên đang ở trong cảnh hết sức khó khăn, rất cần được giúp đỡ.

Mọi sự quan tâm ủng hộ xin gửi về chị Dương Thị My, thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Thông qua số tài khoản: 1248685555. BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP.

Xin ghi rõ nội dung: Ủng hộ chị My xây nhà

Hotline: 0943.113.999

Xin chân thành cảm ơn!

Người phụ nữ mù nghèo khó mong mỗi ngày bán được gói bim bim để nuôi mẹ - Ảnh 11.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại