Máy bay Trung Quốc vừa đến Việt Nam có cạnh tranh được với “siêu phẩm” Boeing 737 Max 8?

Minh Hằng |

Dựa vào đặc điểm của chiếc máy bay C919 của Trung Quốc mới đến Việt Nam có thể tiết lộ về khả năng cạnh tranh với hãng Boeing.

C919 là một trong hai loại máy bay dân dụng đầu tiên (cùng với ARJ21-700) do Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) thiết kế và chế tạo. Hai chiếc máy bay này đến Việt Nam để bắt đầu chuỗi sự kiện triển lãm và trình diễn Comac Airshow diễn ra từ ngày 26 – 29/2.

Đáng chú ý, sau Singapore, Việt Nam chính là điểm đến nước ngoài thứ hai của C919. Đây là chiếc máy bay từng được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ví như "động lực cho mô hình phát triển mới" của quốc gia này. Đây cũng là mẫu tàu bay được Trung Quốc kỳ vọng có thể cạnh tranh được với Boeing 737 Max 8, mẫu máy bay thân hẹp được các hãng hàng không dùng phổ biến hiện nay.

Máy bay Trung Quốc vừa đến Việt Nam có cạnh tranh được với “siêu phẩm” Boeing 737 Max 8?- Ảnh 1.

Máy bay C919 của Trung Quốc trong Triển lãm Hàng không Singapore ngày 20/2/2024. Ảnh: AP

Loại máy bay này có thể dùng rất nhiều tại các chặng bay nội địa và quốc tế (chiếm tới khoảng 60% tổng số máy bay thương mại). Điều này cũng là lý do chính để Trung Quốc kỳ vọng C919 có thể cạnh tranh với "những gã khổng lồ" hàng không phương Tây như Boeing, đồng thời trở thành máy bay được dùng chủ yếu ở nội địa, thậm chí tham vọng xa hơn là giành được thị phần toàn cầu trong tương lai.

Vậy, câu hỏi đặt ra rằng máy bay C919 của Trung Quốc có gì giống và khác so với Boeing 737 Max 8? Nhìn vào những đặc điểm này, liệu Trung Quốc có thể thực hiện được tham vọng cạnh tranh của họ với "đối thủ mạnh" tới từ Mỹ không?

C919 được phát triển từ năm 2008 và được Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cấp giấy phép vào tháng 9/2022. Đây là máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về khả năng bay.

Máy bay C919 bay thử lần đầu năm 2017. Chiếc máy bay này có thiết kế khí động học, hệ thống đẩy và vật liệu tiên tiến, ít phát thải carbon và có hiệu quả trong việc sử dụng nhiên liệu cao hơn so với những mẫu máy bay mà Trung Quốc có dự định thay thế. C919 đầu tiên được tôn vinh với dòng chữ "the world first C919" (chiếc C919 đầu tiên trên thế giới), với dấu triện đỏ Trung Quốc in ở phần trước máy bay.

Máy bay Trung Quốc vừa đến Việt Nam có cạnh tranh được với “siêu phẩm” Boeing 737 Max 8?- Ảnh 3.

Máy bay C919 của Trung Quốc có cạnh tranh được với Boeing 737 Max 8 của Mỹ? Ảnh: WSJ

Chiếc C919 đầu tiên được giao cho hãng hàng không China Eastern Airlines (tháng 12/2022) có 164 ghế, cabin chia thành 2 hạng ghế gồm 8 chiếc ghế hạng thương gia và 156 ghế hạng phổ thông. Chiều cao lối đi giữa hai hàng ghế của máy bay C919 là 2,25 m, để đảm bảo những khách hàng cao cũng có thể lên máy bay một cách thoải mái.

COMAC cho biết, C919 chở được từ 158 – 192 hành khách và có phạm vi hoạt động khoảng 4.075 km. C919 giúp đưa Trung Quốc vào danh sách số ít các quốc gia có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay, bao gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và một số nước khác.

Tính đến nay, C919 đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng. Trong đó, tháng 12/2023, C919 của COMAC bán được 9 chiếc cho hãng hàng không Air China với giá 100 triệu USD mỗi chiếc, tăng 9 triệu USD so với mức 99 triệu USD trong thỏa thuận với China Eastern Airlines vào năm 2022. Con số mới này cũng gần với mức giá 105 – 106 triệu USD của máy bay A320neo vào năm 2020.

C919 dài 38,9 m và cao khoảng 12m, trọng lượng cất cánh tối đa 72,5 tấn. Mẫu máy bay này vẫn sử dụng nhiều bộ phận từ Mỹ và châu Âu, trong đó có động cơ CFM Leap 1C, do CFM International, liên doanh giữa công ty GE Aviation (Mỹ) và Safran Aircraft Engines (Pháp) sản xuất. Trên thực tế, COMAC cũng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho một số bộ phận nước ngoài trên máy bay này.

C919 có đủ sức cạnh tranh với Boeing 737 Max 8?

Máy bay Trung Quốc vừa đến Việt Nam có cạnh tranh được với “siêu phẩm” Boeing 737 Max 8?- Ảnh 4.

Nhiều bộ phận trong máy bay C919 được Trung Quốc mua từ các quốc gia khác. Ảnh: X

Trên thực tế, Boeing có hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này vào những năm 1970. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên, quốc gia này vẫn chưa thể tự sản xuất một mẫu máy bay riêng.

Doanh số của Boeing đạt kỷ lục vào năm 2017. Hãng hàng không nổi tiếng của Mỹ đã bán hơn 200 chiếc máy bay cho Trung Quốc, chiếm khoảng1/4 lượng giao hàng trong năm 2017 (theo Xinhua). Đến nay, khoảng 40% máy bay thương mại của "quốc gia tỷ dân" được mua từ Boeing và 53% được mưa từ Airbus của châu Âu, sau đó lắp ráp ngay tại Trung Quốc.

Chính vì vậy, để giảm sự phụ thuộc vào hai công ty phương Tây, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung phát triển COMAC, được thành lập vào năm 2008. Theo WSJ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chia sẻ: "Chúng ta chi hàng tỷ USD để mua máy bay mỗi năm. Giờ chúng ta sẽ đẩy mạnh tự phát triển và sản xuất máy bay".

Thực tế Trung Quốc không công bố đầu tư bao nhiêu vào COMAC, nhưng một vài công ty nghiên cứu hàng không ước tính, công ty hàng không quốc doanh này nhận được từ 49 – 72 tỷ USD từ chính phủ.

Để phát triển thành công một máy bay thương mại, Trung Quốc đã tham khảo các thiết kế, chẳng hạn như của Boeing.

Máy bay Trung Quốc vừa đến Việt Nam có cạnh tranh được với “siêu phẩm” Boeing 737 Max 8?- Ảnh 5.

Boeing 737 Max 8 và C919 có nhiều điểm giống nhau. Ảnh: Jetline marvel

So sánh C919 và Boeing 737 Max 8, cả hai đều là máy bay thân hẹp một lối đi. Chúng có kích cỡ và chở được số lượng hành khách tương đương nhau. Thậm chí, động cơ của hai chiếc máy bay này cũng không có quá nhiều sự khác biệt. Động cơ của C919 và Boeing 737 Max 8 đều đến từ CFM, một liên doanh của GE (Mỹ) và Safran (Pháp).

Ông Richard Aboulafia, CEO của AeroDynamic Ad, nhận định: "Động cơ của hai chiếc máy bay này giống nhau và có cùng cấp độ công nghệ. Cả hai đều là mẫu động cơ thuộc dòng Leap One của CFM".

Cụ thể, động cơ Leap 1B cho Boeing và Leap 1C cho COMAC. Tuy nhiên, chiếc Boeing 737 Max 8 và C919 cần nhiều thứ hơn để cất cánh. Ông Alex Krutz, CEO Patriot Indu, cho biết: "Hai chiếc máy bay này cần nhiều hệ thống khác như hệ thống cơ khí, thiết bị hạ cánh, hệ thống điều khiển, hệ thống điện tử cho buồng lái. Những thành phần này và chuỗi cung ứng của nó đóng vai trò quan trọng với Boeing, giúp họ giữ vị thế dẫn đầu trong nhiều năm".

Tuy nhiên, sau nhiều thập niên, công ty này có quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp ở nội địa, nước ngoài và hầu hết đều là đồng minh thân cận của Mỹ.

Ông Alex Krutz cho hay: "Boeing có các đối tác lớn như Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, Italy, Đức và các nước khác. Những đối tác này cung cấp cho Boeing những công nghệ tiên tiến nhất, như hệ thống buồng lái".

Tương tự, COMAC cũng cần có một chuỗi cung ứng toàn cầu để sản xuất được C919, đặc biệt là từ những công ty tại Mỹ và châu Âu. Thế nhưng các chuyên gia hàng không nói rằng, một vài nhà cung cấp nước ngoài miễn cưỡng bán các thiết bị vì lo ngại sở hữu trí tuệ. Chính điều này dẫn đến máy bay C919 có công nghệ cũ hơn so với Boeing 737 Max 8 và thậm chí là Airbus 320neo.

Máy bay Trung Quốc vừa đến Việt Nam có cạnh tranh được với “siêu phẩm” Boeing 737 Max 8?- Ảnh 6.

Máy bay C919 của Trung Quốc tại Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh, Việt Nam) vào ngày 27/2. Ảnh: COMAC

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây vẫn không phải là rủi ro lớn nhất cho dự án của COMAC. Bởi có rất nhiều thách thức đang chực chờ C919 và một số ảnh hưởng vì địa chính trị. Mỹ cũng từng cáo buộc Trung Quốc tìm cách đánh cắp các công nghệ tiên tiến để dùng cho mục đích quân sự và bị quốc gia này phủ nhận. Hơn nữa, việc Trung Quốc học cách làm sao để phát triển máy bay, cấu tạo sản phẩm làm sao để phù hợp thì mỗi bước đã là một thử thách lớn.

Ngoài ra, có một chướng ngại khác là khi Trung Quốc bán máy bay ra nước ngoài. Đó là việc thiếu hạ tầng hỗ trợ dành cho phụ tùng của C919 và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa.

Ông Richard Aboulafia nhấn mạnh: "Nói về dịch vụ sau bán hàng, một hệ thống rộng lớn như Boeing là vấn đề mà COMAC phải xây dựng".

Dù có nhiều thử thách nhưng C919 của Trung Quốc vẫn tiến về phía trước với nhiều hợp đồng với các khách hàng. COMAC cũng có kế hoạch phát triển máy bay thân rộng trong tương lai. Tuy nhiên, để trở thành đối thủ của Boeing, COMAC của Trung Quốc có lẽ vẫn còn một chặng đường dài và gập ghềnh ở phía trước.

Bài viết tham khảo nguồn: WSJ, COMAC, Simple Flying

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại