Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen

An An |

Ông Hun Sen kể lại rằng bản thân đã chuẩn bị trong người 12 cây kim và sẵn sàng đâm vào cổ họng tự sát nếu bị trao trả lại cho Pol Pot.

Vào những năm 1970, Campuchia trải qua thời kỳ cực kỳ bất ổn, một cuộc nội chiến nổ ra giữa lực lượng Lon Nol và những người ủng hộ cựu Quốc vương Norodom Sihanouk, trong đó có Khmer Đỏ.

Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ chiếm đóng Phnom Penh, tuyên bố chấm dứt cuộc chiến và đổi tên nước thành Campuchia Dân chủ (1975-1979). Người dân đổ ra đường để ăn mừng và chào đón Khmer Đỏ, tuy nhiên tình hình nhanh chóng trở nên bạo lực.

Theo Trung tâm Tư liệu Campuchia (cơ quan thu thập các bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ), trong vòng vài giờ sau khi đến Phnom Penh, Khmer Đỏ bắt đầu sơ tán khoảng 2 triệu người. Đây là cuộc sơ tán cưỡng bức quy mô lớn trong lịch sử Campuchia và biến Phnom Penh gần như trở thành một thị trấn ma.

Kể từ thời điểm này, Khmer Đỏ bắt đầu tạo ra một sự thống trị diệt chủng tàn bạo. Chúng xây dựng một chế độ không trường học, không chợ búa, người dân Campuchia bị tước đoạt các quyền con người cơ bản, bị cưỡng bức lao động, tra tấn và giết hại. Cuộc sống đầy sợ hãi, với cái chết và nỗi đau thường trực.

Ước tính ít nhất 1,7 triệu người Campuchia thiệt mạng từ năm 1975 đến năm 1979, chiếm khoảng 21% dân số nước này. Các nạn nhân chết vì bệnh tật, thiếu điều trị y tế, đói khát, tra tấn và làm việc quá sức.

Chứng kiến nạn diệt chủng của Khmer Đỏ, vào năm 1977, Samdech Techo Hun Sen, lúc này là chỉ huy trung đoàn thuộc hàng ngũ Khmer Đỏ, đã rời bỏ quê hương, tìm đến Việt Nam để tìm kiếm sự hỗ trợ giải phóng Campuchia và người dân khỏi chế độ diệt chủng.

Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 1.

Hài cốt các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot tại Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh. Ảnh: News Limited

"ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI" NHẰM THAY ĐỔI VẬN MỆNH DÂN TỘC

Ngày 20/6/1977 là ngày khó khăn nhất trong cuộc đời ông Hun Sen của hơn 40 năm về trước khi phải "để lại hàng vạn giọt nước mắt với nỗi đau khó nói thành lời".

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (20/6/1977-20/6/2022), Hun Sen cho biết ông có tới bốn lựa chọn vào thời điểm đó.

"Đầu tiên là việc sử dụng lực lượng vũ trang. Tôi chỉ huy một trung đoàn. Tôi xin nhấn mạnh rằng sau khi giải phóng Phnom Penh, trung đoàn này có hơn 2.000 người nhưng đã bị chia nhỏ lực lượng để thành lập một số lực lượng mới và một số đã bị Khmer Đỏ bắt và giết.

Tuy nhiên, tôi vẫn có thể sử dụng khoảng 1.500 quân để chiếm Memot, Snuol và các vùng lân cận khác… nhưng tôi nghĩ việc này rất rủi ro và rất có thể chỉ trong vòng một tuần hoặc nửa tuần, lực lượng sẽ bị tiêu diệt.

Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 2.

Ông Hun Sen lúc còn là chỉ huy trung đoàn thuộc chính quyền Khmer Đỏ - Ảnh: Facebook Hun Sen

Lựa chọn thứ hai là tìm sang Việt Nam để xây dựng lại lực lượng. Lựa chọn thứ ba là không làm gì cả, để Pol Pot bắt và giết như những người khác. Lựa chọn thứ tư là tự sát.

Cuối cùng tôi quyết định chọn phương án thứ hai là vượt biên sang Việt Nam để tổ chức lại cuộc đấu tranh," báo cáo của Cambodia New Vision (CNV) trích phát biểu của ông Hun Sen năm 2022.

Dù có bốn lựa chọn… nhưng việc rời xa quê hương và người vợ đang mang thai 5 tháng là điều rất khó khăn đối với một chàng trai chỉ mới 25 tuổi. Tuy nhiên, để Pol Pot giết hoặc tự sát đều không phải là phương án khả quan.

"Dù chỉ còn 1% hy vọng hoặc ít hơn thì tôi cũng phải hành động (như) những gì tôi đã làm."

Về lý do sang Việt Nam, trong bộ phim tài liệu lịch sử Marching towards national salvation (Hành trình cứu nước) do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình QĐND Việt Nam sản xuất năm 2017, cựu Thủ tướng Hun Sen - nay là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Tối cao Quốc vương Campuchia - chia sẻ rằng, lúc bấy giờ ông vẫn luôn tin tưởng "Việt Nam sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi Campuchia gặp nạn".

Lời bình của bộ phim Marching towards national salvation (Hành trình cứu nước)
Vì sao ông tin Việt Nam, sang Việt Nam? Vì Việt Nam là nước láng giềng đã từng đồng cam cộng khổ và từng kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung để giành độc lập.

Vì vậy, vào lúc 21h00 ngày 20/6/1977, Hun Sen cùng 4 người đồng đội thân thiết là Nhek Huon, Nuch Than, San Sanh và Paor Ean bắt đầu di chuyển về hướng huyện Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Phước), Việt Nam.

Trong suốt hành trình một số câu hỏi mà ông Hun Sen luôn tự hỏi mình là liệu ông có thể chết ở cửa khẩu biên giới Campuchia-Việt Nam bởi bom mìn? Vượt biên trái phép có bị phạt tù không? Việt Nam có tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot? Câu hỏi cuối cùng liệu phía Việt Nam có bắt ông giao lại cho Pol Pot hay không?

Để ứng phó với tình huống này, Hun Sen đã chuẩn bị 12 cây kim, lúc nào cũng mang theo trong người và sẵn sàng đâm vào cổ họng tự sát nếu bị phía Việt Nam bắt, trao trả lại cho Pol Pot - ông kể lại trong bộ phim Hành trình cứu nước.

Trên đường đi, do trời mưa và sương mù dày đặc mà lại không có la bàn nên nhóm ông tạm nghỉ đợi mặt trời lên. Đến 8h sáng ngày 21/6, ông cùng đoàn nhằm về hướng mặt trời mọc, hướng duy nhất để đến Việt Nam.

Đến chiều, nhóm ông Hun Sen tiếp cận một con đường đất đỏ, gặp được người dân ở đồn điền cao su và được đưa tới gặp bộ đội Việt Nam.

Tại lễ kỷ niệm 45 năm Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (20/6/1977-20/6/2022, nhớ lại thời khắc lịch sử, ông Hun Sen xúc động nói: "Sáng nay [20/6/2022], lúc thắp hương tại địa điểm dừng chân khi vào Việt Nam, tôi đã khóc".

Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 3.Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Tôi không thể kiềm chế cảm xúc… Thời điểm đó tôi nghĩ mình có thể bị trói tay nhưng thay vào đó, tôi nhận được sự chào đón bằng những bữa cơm của người Việt Nam. Chúng tôi đã không được ăn cơm trong hơn một năm.

Ông Hun Sen cho biết, người Việt Nam đã nấu cơm đầy nồi 10, chuyên dành cho 10 người ăn và 5 người nhóm ông đã hạnh phúc ăn hết nồi cơm này.

"…Tôi chân thành biết ơn người dân ấp Hoa Lư, ấp Làng 9, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã giúp đỡ tôi 45 năm trước khi tôi đặt chân lên mảnh đất này. Sự giúp đỡ đó với cá nhân tôi và nhân dân Campuchia không biết nói như thế nào, không thể diễn tả bằng lời hết được… Lúc đó trong tôi xác định có thể đổi cả tính mạng của mình để đưa nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Ngay từ đầu dù tính mạng gặp nhiều rủi ro, nhưng may mắn tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam… Tôi còn nhớ rõ, ngày 21/6/1977, tôi được người dân Việt Nam cho ăn cơm sau hơn 1 năm tôi rất đói vì lặn lội trong rừng tìm đường cứu dân tộc mình… Một bữa cơm hôm đó bằng hàng trăm, hàng ngàn tấn gạo hiện nay…, đó là giá trị vô giá."

BẤT NGỜ VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ ĐỘI VIỆT NAM

Tiếp tục hành trình, gặp được bộ đội Việt Nam, Hun Sen và các đồng đội đã trải qua nhiều buổi nói chuyện thăm dò của các cán bộ Quân khu 7. Sau khi nghe lời khai báo của Hun Sen và đồng đội, các cán bộ Việt Nam tin rằng, nhóm ông không còn trung thành với Khmer Đỏ.

Việt Nam đã đối xử với người tị nạn và với chúng tôi vô cùng nhân đạo... Chúng tôi là những người may mắn vì gặp toàn người nhân ái....
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 4.Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Thực chất, nhóm Hun Sen là những người vượt biên trái phép trong bối cảnh Pol Pot liên tục tấn công giết hại người dân ở biên giới Việt Nam nhưng điều ông Hun Sen không ngờ được là Việt Nam không coi họ là kẻ thù, không bị phân biệt đối xử, thậm chí còn được cung cấp lương lực và thuốc men, hỗ trợ quân tư trang, nhận được đãi ngộ đặc biệt - điều trị trong bệnh viện dành cho các tướng lĩnh ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau thời gian chờ đợi, đến ngày 27/9/1977, Hun Sen được gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng và sau đó là các sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông cũng đề bạt một số nguyện vọng giải phóng Campuchia với phía Việt Nam.

Tuy nhiên, lần đầu, nguyện vọng của ông đã bị từ chối.

"Việt Nam cho biết nếu họ đồng ý yêu cầu của tôi xin giúp đỡ, họ sẽ bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia Dân chủ", ông Hun Sen chia sẻ.

"Việt Nam luôn luôn tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của Campuchia, các vị lãnh đạo của Việt Nam đã từ chối lời thỉnh cầu giúp đỡ của tôi và nói điều đó có thể làm phương hại đến mối quan hệ giữa hai nước", ông nhấn mạnh.

Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 5.
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 6.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam hỗ trợ huấn luyện và phối kết hợp với lực lượng cách mạng Campuchia tiêu diệt Pol Pot, giải phóng Campuchia. Ảnh: TTXVN

Thực tế, Pol Pot đã gây hấn với Việt Nam ngay từ những ngày đầu tháng 5/1975 khi Việt Nam vừa giải phóng miền Nam xong. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam luôn nhất quán chủ trương giải quyết tình hình biên giới Tây Nam bằng con đường hòa bình, hữu nghị.

Thế nhưng chính quyền Pol Pot không những không hợp tác với sự thiện chí của Việt Nam, và đặc biệt đến năm 1977, chúng tấn công hung hãn vào tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam và đến cuối năm 1977 thì tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, rút Đại sứ quán ở Hà Nội về nước (5/1/1978).

Lúc này, chính phủ Việt Nam nhận thấy chính quyền Pol Pot ngày càng lộ rõ tính chất phản động buộc Việt Nam phải đưa ra một số thay đổi chính sách.

Trả lời phỏng vấn VOV, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho biết, cũng vào thời điểm này "người dân Campuchia không chịu được chế độ Pol Pot, chạy sang Việt Nam, nương nhờ Việt Nam. Đảng ta lúc đó có chủ trương rất nhân văn, ra chỉ thị cho các địa phương xây nhà ở, cung cấp lương thực, thực phẩm giúp người dân Campuchia, thậm chí giúp con cái họ học hành...".

Chia sẻ trong bộ phim Hành trình cứu nước, Đại tướng Sao Sokha thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia cho biết: "Khi đó, Việt Nam mới giải phóng miền Nam, đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, vào những năm 1977, 1978 còn xảy ra thiên tai, nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ phải ăn ngô, khoai. Chúng tôi từ Campuchia sang cũng góp phần làm tình hình thêm trầm trọng. Cho nên, tôi ấn tượng nhất là cho dù đời sống khó khăn nhưng nhân dân Việt Nam vẫn chia sẻ với chúng tôi”.

Nhận thấy cơ hội đã đến, Hun Sen bắt đầu tuyển mộ lính xuất thân từ những người tị nạn Campuchia đang lánh nạn ở Việt Nam.

Và điều ông Hun Sen mong đợi bao ngày cuối cùng đã đến: Vào tháng 4/1978, ông được gặp Thượng tướng Trần Văn Trà.

Tướng Trần Văn Trà nói Đảng và Chính phủ Việt Nam quyết định giúp xây dựng lực lượng vũ trang để giải phóng Campuchia nhưng ông khẳng định thêm rằng Việt Nam chỉ hỗ trợ về hậu cần, vũ khí, đạn dược và huấn luyện nhưng về chính trị các bạn Campuchia phải đảm nhiệm.
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 7.Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen

"Tôi trả lời rằng, về phía Campuchia, tôi xin đảm đương về vấn đề chính trị vì không có ai hiểu người Campuchia bằng người Campuchia".

Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển được 15 tiểu đoàn, 5 khung tiểu đoàn, 24 đội công tác, xây dựng được các tổ chức đảng, chuẩn bị thành lập mặt trận và bộ máy lãnh đạo.

Với sự giúp đỡ của Việt Nam, vào ngày 2/12/1978, tại vùng giải phóng thuộc xã Chơng Th’nu, huyện Snuol, tỉnh Kratié (Campuchia), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do Samdech Heng Samrin làm Chủ tịch, Samdech Techo Hun Sen làm Ủy viên ra đời.

Trong khi đó, Pol Pot vẫn khước từ mọi nỗ lực thiện chí hòa bình của Việt Nam, liên tiếp mở các cuộc tấn công tàn bạo vào lãnh thổ Việt Nam, gây ra nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam nên lực lượng Việt Nam đã kiên quyết đánh trả, giành lại các khu vực bị lấn chiếm.

Cũng khoảng thời gian này, phát hiện quân Pol Pot có ý định tập trung 5 sư đoàn và 4 trung đoàn tiến công đánh chiếm Tây Ninh, sau đó sẽ mở rộng địa bàn đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam nên chính quyền Việt Nam thông qua quyết tâm tổng phản công- tiến công chiến lược tiêu diệt quân địch, hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn Pol Pot diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau 25 ngày đêm tiến hành tổng phản công, tiến công thần tốc (từ 23/12/1978 đến 17/01/1979) quân và dân Việt Nam đã đánh đuổi quân Pol Pot ra khỏi lãnh thổ Tổ quốc.

Tiếp đó, đáp lại đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và trên tinh thần quốc tế trong sáng, Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979).

Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 8.

Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pol Pot, diệt 12.000 tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44.000 tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự của quân Pol Pot; đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pol Pot từ trung ương đến cơ sở.

Trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Giáo sư sử học Sombo Manara thuộc Đại học Panasastra Campuchia cho rằng khi nói về Chiến thắng 7/1/1979 là nói về sự kiện trọng đại đối với đất nước, con người Campuchia. Trong quãng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, họa diệt chủng đã khiến Campuchia mất đi sức mạnh dân tộc, mất đi nền tảng nguồn lực quốc gia, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế và mọi thứ gần như trở về con số 0.

"Trong tận cùng nỗi sợ hãi, không một người dân nào ở Campuchia dám nghĩ và mơ tới một ngày nào đó có thể thoát khỏi sự giết chóc, về quê nhà, đi làm việc. Lúc đó, họ chỉ có một suy nghĩ duy nhất là liệu có thể sống tiếp đến ngày mai, ngày kia hay không.... Đối với người dân Campuchia, ngày 7/1/1979 có ý nghĩa lịch sử, để những người còn sống được gặp lại anh em, họ hàng, thoát khỏi mưu toan bức hại thông qua các hình thức hành hạ, đàn áp của Pol Pot. Bên cạnh đó, là có tự do để thực hiện những phần việc của cuộc đời mình, để lại được sống, được học hành và làm việc."

"ĐỘI QUÂN NHÀ PHẬT" - KHÔNG CÓ VIỆT NAM THÌ KHÔNG CÓ CAMPUCHIA

Sau thắng lợi ngày 7/1/1979, dù đã bị đánh đổ nhưng tàn quân Pol Pot còn khoảng 4 vạn tên ẩn náu ở các vùng biên. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, hòng tạo sức ép đẩy Bộ đội tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia, hy vọng phản công chiếm lại thủ đô Phnom Penh trong khi lực lượng cách mạng mới của Campuchia còn yếu.

"Chính tôi đã nói với ông Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam) và những người khác rằng nếu họ rút quân và Pol Pot quay trở lại được, thì càng nhiều người sẽ bị giết. Vào thời điểm đó, các lực lượng của Campuchia không đủ sức chống lại Pol Pot và chúng tôi cần thời gian để củng cố các lực lượng và nền kinh tế của mình", ông Hun Sen kể lại trong cuốn sách Hun Sen: Nhân vật xuất chúng của Campuchia. (Hun Sen: Strongman of Cambodia) của hai tác giả Harish Mehta và Julie Mehta.

Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên.
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 9.Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 10.
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 11.
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 12.
Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 13.

Người dân Campuchia bị rịn tiễn Bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước. Nguồn ảnh: Vietnampus, VNA, Getty...

Ngày 18/2/1979, tại Thủ đô Phnom Penh, chính phủ hai nước ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hàng ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được cử sang, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp đỡ cách mạng và nhân dân Campuchia.

Trong 10 năm (1979-1989) làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, cán bộ, chiến sĩ bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vừa giúp Campuchia xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, phát triển lực lượng vũ trang lớn mạnh, vừa phối hợp chiến đấu truy quét tàn quân Pol Pot, vừa giúp khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã sử dụng mọi phương tiện vận chuyển, đưa hàng triệu người dân Campuchia đang chịu cảnh ly tán trở về quê cũ; giúp họ xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh xá, phân phát dụng cụ gia đình, công cụ sản xuất, hạt giống, con giống để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ, trường học cũng được khôi phục. Đến tháng 6/1979, Campuchia đã có trên 32 vạn học sinh và trên 7.000 giáo viên tiểu học.

Ngoài ra, Bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp Campuchia xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp.

Đến ngày 26/9/1989, trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, các đơn vị cuối cùng của Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước trong sự lưu luyến của nhân dân Campuchia.

Để thể hiện tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam-Campuchia và tri ân Bộ đội tình nguyện Việt Nam, trong suốt những năm tháng sau đó, Campuchia đã cho xây dựng các tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Tính đến năm 2022, có khoảng 28 Tượng đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã được lần lượt xây dựng tại ở các tỉnh thành xứ sở Chùa Tháp.

Về phần ông Hun Sen, trong tất cả các bài phát biểu của mình, ông luôn luôn gợi nhắc và bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ chí tình trong sáng của Bộ đội tình nguyện Việt Nam.

"Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng", ông Hun Sen phát biểu trên cương vị Thủ tướng tại lễ khánh thành di tích lịch sử Sư đoàn 125, tiền thân Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, năm 2012.

Không có Việt Nam thì không có Campuchia ngày nay: Hành trình lịch sử về phía mặt trời của ông Hun Sen- Ảnh 14.Cự Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật.

Hơn một năm sau, vào cuối tháng 12/2013, khi tới thăm Hà Nội, ông Hun Sen tiếp tục khẳng định: "Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã hy sinh hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất lớn khi giúp đỡ Campuchia... Điều này chẳng thể nào quên được".

Hay trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6/2017, đúng dịp kỷ niệm 40 năm Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, ông Hun Sen một lần nữa bày tỏ: "Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay. Nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của Việt Nam, Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh. Dứt khoát là thế".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại