Indonesia thừa biết "vũ khí" này của Việt Nam, nhưng cản được lại rất khó

Lupo |

Về lý thuyết, thứ vũ khí này thường bị coi là không phù hợp với ĐT Việt Nam. Nhưng tại AFF Cup 2016, nó đang phát huy tác dụng.

Hơn một năm trước, HLV Miura từng bị "ném đá" dữ dội vì cho các học trò sử dụng lối đá bóng dài và tạt cánh đánh đầu.

Người hâm mộ hài hước gọi phong cách của ĐT Việt Nam lúc đó là "taca-dada" và cho rằng nó không phù hợp chút nào với đoàn quân áo đỏ.

Hữu Thắng xuất hiện, ai cũng nhắc đến tiqui-taca. Nhưng chiến lược gia người Hà Tĩnh không tự gò ép mình với lối đá mà ngay cả Barca cũng chẳng còn thể hiện một cách trọn vẹn nhất được nữa. Ông hướng đến một đội tuyển đa dạng, liên tục thay đổi các miếng đánh nhằm tránh tình trạng bị "bắt bài".

Indonesia thừa biết vũ khí này của Việt Nam, nhưng cản được lại không dễ - Ảnh 1.

Thành Lương là một trong những quân bài nguy hiểm nhất của HLV Hữu Thắng với cái chân trái tạt bóng rất dẻo.

Trong đó, những đường tạt bóng là vũ khí được sử dụng một cách khá thường xuyên. Nếu chỉ nhìn vào một khía cạnh của các con số thống kê, nhiều người có thể đánh giá sai "tuyệt chiêu" này.

Trận gặp Myanmar, ĐT Việt Nam chỉ tạt bóng chính xác 1 trong 15 lần (tỉ lệ 6,7%). Sang đến cuộc đọ sức với Malaysia, con số này là 7/21 (33,3%). Trước Campuchia, ĐT Việt Nam mất người từ sớm và nhiều thời điểm bị đối thủ ép sân. Dù vậy, các học trò dưới quyền HLV Hữu Thắng vẫn kịp tung ra 12 đường tạt bóng, 3 trong số này đi trúng đích (25%).

Nhưng chính trong trận đấu tạt bóng tốt nhất, ĐT Việt Nam lại không một lần tận dụng thành công. Còn ở cả 2 cuộc đọ sức còn lại, Công Vinh đều lập công từ những bóng được đưa vào từ cánh phải. Cá biệt, Văn Thắng có một lần tạt bóng "kiến tạo" cho cầu thủ Campuchia phản lưới.

Công Vinh mở tỉ số trong trận gặp Campuchia

Đúng với tiêu chí "đa dạng hóa", đoàn quân áo đỏ liên tục thay đổi vị trí cũng như cách thức đưa bóng vào. Đó có thể là một pha tạt sát mặt đất của Trọng Hoàng. Đó cũng có thể là Văn Toàn, Văn Thắng ra chân từ khá xa, bóng cuộn vào vòng cấm với một quỹ đạo khó chịu. Hoặc có khi là Thành Lương, đi bóng tới sát biên ngang và treo bổng qua tầm tay thủ môn về phía cột dọc xa.

Những tình huống như vậy đem tới nhiều ích lợi. Các cầu thủ ở bên trong của ĐT Việt Nam giảm thiểu được tác động từ sự thua thiệt về thể hình do bóng thường chỉ đi ngang ngực hoặc sệt dưới mặt đất. Còn những người chạy cánh có thêm một phương án để giải quyết tình huống tấn công, đặc biệt khi bị đội bạn bao vây.

Hàng thủ Indonesia sở hữu thể lực rất tốt. Họ đeo bám rất khó chịu và sẵn sàng chơi rắn nếu cần thiết. Nhưng tốc độ và sự tập trung lại là điểm yếu mà HLV Alfred Riedl chưa khắc phục được. Các pha tạt bóng ở tầm vừa để đồng đội băng lên thật nhanh dứt điểm là phương án hữu hiệu cho ĐT Việt Nam.

Chiến công năm 2008 của Việt Nam trước Thái Lan bắt đầu từ pha tạt bóng của Tấn Tài giúp Vũ Phong đánh đầu thành bàn. Hi vọng thứ vũ khí này sẽ tiếp tục đem lại niềm vui cho đoàn quân áo đỏ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại