Hỏi người trẻ "Tết có ý nghĩa gì?", chuyên gia tâm lý nhận câu trả lời bất ngờ

Ngọc Minh |

Khi hỏi các bạn trẻ "Tết có ý nghĩa gì?", bác sĩ Bách nhận về nhiều câu trả lời rất đáng suy ngẫm.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian gia đình sum vầy, tụ họp. Do vậy, ngày Tết ai cũng mong muốn gia đình phải đầy đủ đông vui. Tuy nhiên, với một số bạn trẻ hiện nay, Tết cũng là dịp có nhiều áp lực về tâm lý.

Hương (tên nhân vật đã được thay đổi) 27 tuổi, quê tại Vĩnh Phúc, cho biết mỗi năm Tết đến là cô thêm áp lực. Đi tới đâu, ai cũng hỏi Hương "Bao giờ lấy chồng? Lương bao nhiêu? Thưởng Tết nhiều không?". Điệp khúc đó lặp đi lặp lại nhiều năm. Đến năm nay, Hương không còn muốn về nhà ăn Tết.

Hương đang lên kế hoạch đi du lịch 3 ngày Tết với bạn bè. Tuy nhiên, khi nói ra ý định này, Hương đã bị bố mẹ kịch liệt phản đối. Bố Hương nói: "Thích đi đâu thì đi nhưng 3 ngày Tết phải có mặt ở nhà, đi chúc Tết ông bà".

Trước câu nói của bố, Hương lại càng ấm ức vì bố chưa từng đặt mình vào vị trí của cô. Cô gái trẻ vẫn quyết tâm xách vali lên và đi ăn Tết ở một nơi xa.

Ths.BS Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP (Hà Nội), cho biết rất nhiều bạn trẻ hiện nay không muốn về quê ăn Tết. Thay vì về quê, họ sẽ chọn đi chơi xa, đi phượt khám phá… Lý do thường là không muốn đi thăm hỏi quá nhiều người chứ không phải áp lực về tài chính.

Hỏi người trẻ "Tết có ý nghĩa gì?", chuyên gia tâm lý nhận câu trả lời bất ngờ- Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch dịp Tết (Ảnh minh họa)

"Tôi mới kết thúc một khoá đào tạo 20 bạn sinh viên tâm lý của một trường đại học. Khi tôi hỏi Tết có ý nghĩa gì, 16/20 bạn nói không có ý nghĩa gì, không muốn về quê ăn Tết. Các bạn cảm thấy áp lực trong dịp Tết truyền thống. Và thậm chí có những bạn còn chờ đợi những dịp lễ khác như Noel, Tết dương lịch hơn là Tết âm".

Hiện nay, do sự du nhập của văn hoá phương Tây nên có nhiều quan niệm trái chiều về Tết Nguyên Đán. Ở góc độ cá nhân, bác sĩ Bách chia sẻ: Những gì là truyền thống nếu chúng ta lưu giữ được sẽ là nét đẹp. Nhưng hiện nay, bác sĩ Bách nhận thấy nhiều bạn trẻ đang sống vội và thoải mái hơn, một phần nguyên nhân là do chúng ta không có quá trình giáo dục chiều sâu về truyền thống cho trẻ.

Cha mẹ nên làm gì khi con không muốn về nhà ăn Tết?

Theo bác sĩ Bách, việc giáo dục về truyền thống là một quá trình phải làm từ rất sớm để tạo nên văn hoá của gia đình và cả dân tộc. Cha mẹ nên giáo dục trẻ từ sớm về việc giữ gìn bản sắc.

Việc giáo dục này không nên bằng mệnh lệnh. Các mệnh lệnh như "Đi đâu làm gì cũng được nhưng Tết phải về nhà" chỉ tạo ra những áp lực tâm lý cho con trẻ. Việc giáo dục này thường không mang lại hiệu quả mà sẽ gây ra những ức chế về mặt tâm lý.

"Nếu con chưa hiểu được ý nghĩa của Tết truyền thống, không muốn về nhà thì bố mẹ nên nghĩ thoáng, cứ để con đi chơi thoả thích, trải nghiệm rồi mùng 4, mùng 5 con sẽ về. Và hãy tìm thời gian thích hợp để giúp trẻ hiểu thấu đáo về truyền thống văn hoá", bác sĩ Bách nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại