Cầu dây văng 11.000 tỷ đồng, nối với "mỏ vàng" tương lai ở thành phố giàu top đầu Việt Nam

Thái Hà |

Cây cầu dây văng 11.000 tỷ đồng, quy mô lớn nhất TP.HCM, mang hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ sẽ khởi công vào ngày 30/4/2025.

Khởi công cầu Cần Giờ vào dịp đặc biệt

Văn phòng UBND TP vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và Vành đai 4. TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu khởi công xây dựng 3 dự án giao thông trọng điểm nêu trên vào dịp 30/4/2025. 

Để làm được điều đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát kỹ phương án thiết kế để đảm bảo chuẩn xác về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, lộ giới, phương án kết nối giao thông 2 bên đầu cầu, để tránh việc thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án; báo cáo kết quả trình UBND TP.

Cầu dây văng 11.000 tỷ đồng, nối với

Cầu Cần Giờ được thiết kế theo hình tượng cây đước. Ảnh: TPO

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết để thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với 2 dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ và Vành đai 4, làm cơ sở theo dõi, đảm bảo thời gian yêu cầu, trình UBND TP.

Giao UBND huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức, Quận 7, huyện Củ Chi xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết để thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 liên quan đến 3 dự án nêu trên, làm cơ sở theo dõi, đảm bảo thời gian yêu cầu, gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tổng hợp báo cáo, trình UBND TP.

Ý tưởng đặc biệt khi thiết kế cầu Cần Giờ

Theo phương án được đề xuất, cầu Cần Giờ có điểm đầu nằm trên đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía Bắc, điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác, cách phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía Nam, tổng chiều dài dự án là 7,3 km.

Dự án xây dựng cầu Cần Giờ ban đầu được nghiên cứu với 6 phương án hướng tuyến. Tuy nhiên, phương án xây dựng được cho là khả thi nhất là phương án có điểm đầu nằm trên đường 15B (huyện Nhà Bè).

Cầu dây văng 11.000 tỷ đồng, nối với

Lan can cầu cũng được thiết kế theo hình tượng sóng biển, với các trụ đèn chiếu sáng tạo hiệu ứng rừng Đước khi đi qua cầu. Ảnh: TPO

Tổng chiều dài dự án là 7,3 km. Ngoài cầu chính, dự án còn một số cầu nhỏ vượt sông Chà, Tắc Sông Chà và cầu rạch Mương Ngang.

Quy mô mặt cắt ngang của cầu là 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60km/h. Dự án sẽ xây dựng hệ thống thoát nước, công trình phụ trợ gồm hệ thống an toàn giao thông; đèn chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật; xây dựng hệ thống trạm thu phí, camera quan sát....

Cầu Cần Giờ có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.228 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. Khi đó, cầu này sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ (nối TP.Thủ Đức và Quận 7) hay cầu Bình Khánh, trở thành cầu dây văng có quy mô lớn nhất Tp.HCM.

Cầu dây văng 11.000 tỷ đồng, nối với

Năm 2019, TP.HCM chính thức tuyển chọn phương án của Công ty CP Kidohu để triển khai trong số 17 phương án tham gia thi tuyển.

Cầu Cần Giờ sẽ là cầu dây văng một trụ tháp với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ (khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2000). Cầu có lan can hình sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua.

Công trình cũng có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật về đêm. Thiết kế cầu là kết quả của cuộc tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ - TPHCM”.

Tầm quan trọng của việc xây dựng cầu Cần Giờ

Huyện Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam TP.HCM. Hiện nay, địa phương này chưa có đường bộ kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm thành phố. Phương tiện giao thông từ Cần Giờ di chuyển sang huyện Nhà Bè vẫn phải dùng phà.

Thời gian gần đây, nhu cầu giao thông qua phà Bình Khánh ngày càng tăng cao, đặc biệt là các ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, Tết... gây nên tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động du lịch và phát triển kinh tế xã hội của huyện Cần Giờ.

Cầu dây văng 11.000 tỷ đồng, nối với

Phà Bình Khánh. Ảnh: Thành ủy TPHCM

Khi cầu đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa huyện Cần Giờ với các tỉnh lân cận, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Giờ đến Nhơn Trạch từ 1,5 giờ xuống còn 30 phút.

Ngoài ra, cây cầu cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng lân cận, tạo nên một vùng kinh tế sôi động và phát triển. Việc di chuyển thuận lợi hơn sẽ làm tăng cơ hội việc làm tại Cần Giờ, thu hút nhiều lao động và chuyên gia đến định cư.

Về du lịch, cây cầu này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch cho huyện Cần Giờ. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều bãi biển đẹp, di tích lịch sử – văn hóa phong phú, huyện Cần Giờ có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Một khi du lịch phát triển, sẽ tạo ra nhiều việc làm, giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Hơn thế nữa, cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ mở cánh cửa cho "siêu" cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sớm đi vào hoạt động, kết nối thông thương vào nội thành TP.HCM và các tỉnh thành khác. Cảng này được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là “mỏ vàng” giúp TP.HCM - đô thị giàu top đầu Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.

“Khi hình thành cầu Cần Giờ sẽ góp phần đi tiên phong, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía Nam TP.HCM và làm sáng bừng dậy sức sống của khu vực này", ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM nói tại lễ công bố kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại