Hải quân Việt Nam bỏ qua Sigma-9814 để lên thẳng tàu lớn hơn

GTS |

Dự án tàu hộ vệ Sigma-9814 bị tạm hoãn lại vào phút chót khi nhà xưởng đã hoàn thành và chỉ đợi đặt ki, phải chăng Hải quân Việt Nam chuyển hướng chọn lớp tàu lớn hơn?

Ứng viến mới này chính là lớp tàu Sigma 10514, cũng do Tập đoàn Damen (Hà Lan) thiết kế với chiều dài 105m rộng 14m và mớn nước 3,7m, có lượng giãn nước xấp xỉ 2.500 tấn.

Cấu hình vũ khí của Sigma 10514 không có nhiều khác biệt so với Sigma-9814 vốn đã được Damen chào bán cho Hải quân Việt Nam (HQVN), tuy nhiên kích thước lớn hơn cho phép độ tùy biến vũ khí và dự trữ hành trình của Sigma 10514 vượt trội hơn hẳn.

Điều này là cực kì cần thiết khi lực lượng tàu chiến mặt nước của HQVN đang thiếu những tàu tên lửa có lượng choán nước khá lớn và khả năng tác chiến xa bờ dài ngày.

Hải quân Việt Nam bỏ qua Sigma-9814 để lên thẳng tàu lớn hơn - Ảnh 1.

Phối cảnh tàu Sigma-10514 nhìn từ trên cao. Ảnh: Tập đoàn Damen

Khả năng phòng không hạm đội cần được tăng cường

Biên đội tác chiến tàu mặt nước của HQVN hiện đang thiếu một lớp tàu cỡ vừa, có khả năng phòng không bảo vệ biên đội trước các cuộc tấn công từ trên không. Sigma-10514 với cấu hình phòng không trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho biên đội tàu chiến Việt Nam.

Với việc trang bị tên lửa phòng không Aster-30, Sigma-10514 có thể lập một vùng phòng không có bán kính 120km quanh nó, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mối đe dọa nào từ trên không trong vùng bảo vệ, qua đó, nâng cao khả năng sống sót của các tàu trong biên đội.

Mặt khác Sigma 10514 cũng có thể đảm nhận việc chỉ huy và chỉ thị mục tiêu cho các tàu tên lửa tấn công nhanh Molynia và thậm chí là dẫn bắn cho các tên lửa Kh-35 nếu tích hợp được hệ thống điều khiển.

Nếu đặt mua, Sigma 10514 của HQVN sẽ mang cấu hình hiện đại nhất, với 8 tên lửa chống hạm cận âm Ecoxet block III với tầm bắn 180km, pháo hạm Oto Melara 76mm, hệ thống ngư lôi 324mm, 2 pháo bắn nhanh 20mm.

Đồng thời hệ thống VLS 12 ống trên Sigma 10514 cũng sẽ trang bị tên lửa phòng không tầm gần Aster-15 (tầm bắn tối đa 30km) thay cho tên lửa MICA, để biến nó thành tàu phòng không thực sự. Hoặc thậm chí là tên lửa phòng không tầm trung Aster 30 có thể diệt các mục tiêu bay ở cự ly tới 120km.

Xét về tính cấp thiết của việc cần sớm bổ sung một lớp tàu khu trục hạm có khả năng bảo vệ toàn bộ biên đội tàu tác chiến mặt nước trước các mối đe dọa từ trên không như Sigma-10514 là một lựa chọn khá hoàn hảo.

Sigma 10514 sẽ đảm nhiệm vị trí khu trục phòng không cấp 2 cho biên đội tàu chiến của HQVN cho tới khi chúng ta có thêm các tàu khu trục phòng cấp 1 với lượng giãn nước lớn hơn.

Hải quân Việt Nam bỏ qua Sigma-9814 để lên thẳng tàu lớn hơn - Ảnh 2.

Ảnh: Tập đoàn Damen

Lựa chọn cho tương lai

Được thiết kế theo dạng modul tích hợp nên khả năng tùy biến của Sigma 10514 rất cao, điều này không chỉ nằm ở sự đa dạng vũ khí trang bị đi kèm mà nó còn mở ra cơ hội tự đóng các tàu hộ vệ tên lửa cỡ vừa, có lượng choán nước cỡ 2.500 tấn trở lên trong tương lai, dựa trên Sigma 10514.

Thiết kế mở và hoàn toàn có thể tùy biến theo yêu cầu và nhiệm vụ được đưa ra, cũng như nâng cao trình độ đóng tàu khu trục cỡ nhỏ ở hiện tại và những loại tàu khác với lượng giãn nước lớn hơn.

Lựa chọn Sigma 10514 ở thời điểm này còn giải quyết được việc tăng nhanh số lượng tàu chiến mặt nước cho HQVN, đồng thời vẫn đảm bảo yếu tố hiện đại, không bị lạc hậu so với khu vực và thế giới.

Để đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đòi hỏi Hải quân Việt Nam phải được đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa hơn nữa. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác phương Tây song song với đối tác truyền thống đáng tin cậy là Nga cũng sẽ góp phần thay đổi diện mạo cho Hải quân Việt Nam trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại