GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ

Hải Vy (Thiết kế: Đỗ Linh) |

Trong chiến tranh biên giới năm 1979, TQ đã không thể đánh bại lực lượng chủ lực của Việt Nam, cũng không thể gây sức ép để buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia - GS. Thayer nhận định.

Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam.

Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".

Để làm rõ bản chất xâm lược của Trung Quốc trong cuộc chiến này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Carl Thayer - Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 1.

PV: Ông từng nói trong chiến tranh biên giới 1979, Trung Quốc mới là "kẻ gây hấn" chứ không phải Việt Nam. Ông có thể nói thêm về nhận định đó?

GS Thayer: Khi phát động cuộc tấn công vũ trang vào biên giới phía bắc Việt Nam ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa ra 2 lý do.

Một là "lập lại hòa bình" cho vùng biên giới sau các vụ đụng độ vũ trang gia tăng trong giai đoạn 1977-1978. Và thứ hai là "dạy cho Việt Nam một bài học" vì đã tấn công đồng minh của Trung Quốc – thế lực Khmer Đỏ - ở Campuchia.

Tuy nhiên, chính Trung Quốc là phía đã kích động các sự cố biên giới với Việt Nam trong giai đoạn 1977-1978, đồng thời tìm cách khuấy động tình trạng bất ổn trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở các tỉnh thành biên giới phía bắc Việt Nam.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 2.

Nhiều công trình bị tàn phá nặng nề.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn hỗ trợ quân trang và vũ khí cho Khmer Đỏ để chúng có thể cùng lúc tấn công Việt Nam.

Việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia là hành động phản kích tự vệ, là sự đáp trả trước các cuộc tấn công liên tục và thọc sâu của lực lượng Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn nhằm vào Việt Nam.

Do đó, có thể thấy rõ rằng, Trung Quốc chính là "kẻ gây hấn" trong cuộc chiến ấy.

PV: Một số học giả như Gerald Segal, Bruce Elleman cho rằng trong cuộc chiến tranh 1979, Trung Quốc đã thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu dự kiến. Ông có đồng tình với nhận định đó không? Theo ông, các thất bại lớn nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến này là gì?

GS Thayer: Chiến tranh biên giới 1979 với Việt Nam là một phần trong chiến lược có quy mô lớn hơn, kéo dài nhiều thập kỷ (1977-1987) của Trung Quốc nhằm tạo dựng bá quyền đối với bán đảo Đông Dương, bằng cách gây trở ngại cho mối quan hệ giữa Việt Nam-Liên Xô và buộc Việt Nam phải phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã gia tăng áp lực chính trị và quân sự đối với Việt Nam ở 3 phía – biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và sâu bên trong lãnh thổ Việt Nam bằng cách xúi giục, kích động cộng đồng người Hoa và dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Khi Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới 1979, các tướng lĩnh của họ đang tìm kiếm một cuộc "tốc chiến tốc quyết" (đánh nhanh thắng nhanh). Quân đội Trung Quốc (PLA) hy vọng có thể tấn công và đánh bại các sư đoàn lục quân chủ lực của Việt Nam, từ đó buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia và đề nghị hòa giải.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 3.

Thế nhưng, Trung Quốc đã không đánh bại được lực lượng chủ lực của Việt Nam. Thay vào đó, PLA phải hứng chịu thương vong lớn (ước tính 28.000 quân thiệt mạng) do thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

PLA đã không thể tập trung lực lượng và tung đòn quyết định. Nói tóm lại, họ đã thất bại khi không thể thực hiện mục tiêu "đánh nhanh thắng nhanh".

Mặc dù cũng chịu thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất tại các tỉnh phía bắc nhưng Việt Nam đã không vì sức ép của Trung Quốc mà phải rút quân khỏi Campuchia.

Sự hậu thuẫn liên tục của Trung Quốc đối với Khmer Đỏ, thông qua Thái Lan, cũng không thể giúp chế độ này khôi phục lại vị thế.

Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ và khi Việt Nam rút toàn bộ lực lượng khỏi Campuchia vào tháng 9/1989, Cộng hòa nhân dân Campuchia đã có thể tự đứng lên và đẩy lùi các cuộc tấn công của chế độ diệt chủng.

Những nỗ lực phá hoại của Trung Quốc đã khuấy động sự căng thẳng trong cộng đồng người Hoa và cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không vì thế mà bất ổn, mà vẫn duy trì được an ninh quốc gia.

Trung Quốc cũng thất bại trong việc phá vỡ mối quan hệ giữa Việt Nam-Liên Xô. Cả hai phía đã ký Hiệp ước Hữu Nghị & Hợp tác vào tháng 11/1978 và thông qua đó, Liên Xô đã liên tục hỗ trợ Việt Nam ở nhiều mặt, như thực hiện thành công kế hoạch 5 năm nhằm phát triển kinh tế.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 4.

PV: Theo ông, tại sao trong cuộc chiến tranh 1979, Trung Quốc lại chỉ triển khai bộ binh tham chiến?

GS Thayer: Năm 1979, Việt Nam vẫn đang duy trì một trong những hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới - Đây là di sản từ thời kháng chiến chống Mỹ.

Trung Quốc không triển khai máy bay quân sự trong phạm vi tầm bắn của tên lửa phòng không Việt Nam do họ không có các biện pháp đối phó hiệu quả.

Các tên lửa đất-đối-không của Trung Quốc khi ấy chỉ có thể bao quát được phạm vi 50km bên trong lãnh thổ Việt Nam, vì thế, bất cứ máy bay nào của Trung Quốc hoạt động bên ngoài khu vực này đều có thể bị hệ thống phòng không Việt Nam đe dọa.

Bên cạnh đó, theo tôi được biết, ngay khi Trung Quốc phát động cuộc tấn công vũ trang vào biên giới phía bắc của Việt Nam, Liên Xô đã điều một đội tàu nhỏ tới vùng biển ngoài khơi miền bắc Việt Nam. Điều này đã khiến Trung Quốc không dám điều động lực lượng hải quân chống lại Việt Nam.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 5.

Đối đầu với đội quân đông gấp 12 lần được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh, quân dân các dân tộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc chủ động tổ chức chiến đấu ngay tại chỗ cầm chân quân Trung Quốc trong khi chờ quân chủ lực.

PV: Quân đội Trung Quốc bộc lộ những điểm yếu nào trong chiến tranh biên giới 1979? Một số nhà sử học nghi ngờ rằng mục đích chính của Đặng Tiểu Bình là muốn dùng cuộc chiến này để kiểm tra khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, theo ông điều đó có đúng không?

GS Thayer: Edward O’Dowd, cựu tùy viên quân sự của Mỹ tại Bắc Kinh và sau đó là tại Hà Nội, đã từng viết về cuộc chiến tranh 1979.

Sau này, ghi chép của ông được xuất bản với tiêu đề "Chinese Military Strategy In the Third Indochina War: The last Maoist war.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 6.

Vế sau của tiêu đề này rất quan trọng. Ý của ông O’Dowd là quân đội Trung Quốc đã không tích lũy được chút kinh nghiệm chiến đấu nào trong một thời gian dài. Cuộc xung đột "gần nhất" của họ vào thời điểm đó là chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962.

Cuối những năm 1970, PLA bị lôi kéo nhiều vào các vấn đề chính trị nội bộ [hệ quả của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản (1966-1976)] và các hoạt động thương mại.

PLA thiếu các hạ sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu. Vì thế, khi tấn công Việt Nam, họ không có đủ khả năng phối hợp pháo binh hạng nặng với các đơn vị thiết giáp và bộ binh yểm trợ. Bên cạnh đó, họ còn gặp những khó khăn về hậu cần và không thể tổ chức được chuỗi cung ứng hiệu quả ở hậu phương.

Vào thời điểm ấy, có nhiều nhận định cho rằng cuộc chiến tranh biên giới này còn có một mục đích ngầm, đó là thử nghiệm khả năng thực chiến của PLA. Tôi cũng đồng tình với nhận định đó.

Đây là kinh nghiệm xương máu đối với PLA bởi họ không thể đạt được mục tiêu "đánh nhanh thắng nhanh" như mong muốn.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 7.

PV: Theo ông, các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc có thể rút ra bài học gì từ cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979?

GS Thayer: Chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam là một ví dụ điển hình của chiến tranh phức hợp.

Hiện có rất nhiều định nghĩa về chiến tranh phức hợp nhưng đặc điểm chính của hình thái này là sử dụng lực lượng quân sự quy ước, kết hợp với các phương thức "không theo quy ước" (như cấm vận kinh tế, ngoại giao, chiến tranh thông tin-tư tưởng và văn hóa - PV) để đạt được mục đích.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 8.

Súng chống tăng, đạn B41, súng trung liên, đại liên của quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam thu được.

Ngoài triển khai lực lượng tác chiến quy ước dọc biên giới phía bắc Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng các phương thức "không theo quy ước", bao gồm dùng thế lực Khmer Đỏ như một lực lượng ủy nhiệm, gây bất ổn trong các cộng đồng người Hoa và cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Cuộc chiến tranh phức hợp của Trung Quốc lên tới đỉnh điểm trong những tháng đầu năm 1979, khi Bắc Kinh phát động cuộc xâm lược quy mô lớn vào phía bắc Việt Nam.

GS. Carl Thayer nêu bài học từ sự kiện 1979: Các nước nên đề phòng chiến tranh phức hợp của TQ - Ảnh 9.

Các chiến dịch phức hợp của Trung Quốc còn tiếp diễn thêm khoảng 8 năm nữa sau khi PLA rút quân. Trong thời gian đó, Trung Quốc tiếp tục các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào biên giới phía bắc Việt Nam, bao gồm cả các đợt pháo kích quy mô lớn.

Bắc Kinh chỉ ngừng các hoạt động quân sự này vào năm 1987 do có sự thay đổi trong cán cân chiến lược, khi Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô khi ấy Mikhail Gorbachev lên cầm quyền, chủ trương theo hướng cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Theo tôi, từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc có thể rút ra một điều: Trung Quốc có khả năng sẽ triển khai chiến tranh phức hợp nếu họ hành động.

- Họ sẽ dùng các bên thứ 3 làm "lực lượng ủy nhiệm" để gây áp lực cho quốc gia mục tiêu (tức là quốc gia mà họ muốn gây hấn).

- Các phương thức chính trị có thể được Trung Quốc sử dụng bao gồm: tổ chức tuyên truyền, chiến tranh thông tin và phá hoại ngầm - gây bất ổn cho quốc gia mục tiêu.

- Trung Quốc có thể triển khai các lực lượng bán quân sự, dân quân và lực lượng vũ trang thông thường trong các cuộc tấn công vũ trang.

Việc kết hợp 3 phương thức trên sẽ cho phép Trung Quốc tiến hành chiến tranh phức hợp một cách linh hoạt hơn và duy trì nó trong một thời gian dài.

Xin cảm ơn ông đã trả lời!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại