Chiến sự Syria: Thấu hiểu Idlib là "vũng lầy" khó thắng, Mỹ khuyên Thổ Nhĩ Kỳ "buông súng"?

Mạnh Kiên |

Trong một cuộc chiến công bằng, quân đội Syria không thể sánh được với các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Idlib không phải là một chiến trường công bằng như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ nên "chủ chiến" hay "chủ hòa"

Tuần tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Nga để cố gắng loại bỏ nguy cơ xung đột đang diễn ra ở Idlib, Syria.

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Ankara đã giành được nhiều lợi ích ở Syria khi hợp tác với Nga. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng người đồng cấp Vladimir Putin sẽ thương lượng thay mặt chính quyền Syria với sự thiện chí và cuối cùng đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt cược quá nhiều vào ván bài rất dễ thua này, chuyên gia Aaron Stein từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nhận định trên War On The Rock.

Trên thực tế, Tổng thống Putin vẫn quyết tâm đánh bại lực lượng đối lập Syria ở Idlib và dường như không quan tâm đến những gì ông Erdogan đang suy tính.

Bằng chứng là Moscow và Damascus đã liên tục có các hoạt động quân sự nghiêm túc nhằm giành lại các cứ điểm quan trọng dọc theo đường cao tốc chiến lược M4 và M5.

Các cuộc tấn công này cũng mang đến nỗi ám ảnh về một cuộc xung đột đổ máu nhiều hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Tổng thống Assad.

Theo chuyên gia Aaron Stein, để tránh một kịch bản không mong muốn như vậy, Mỹ - với tư cách là đồng minh và là một thế lực quan trọng ở Syria - nên gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng thay vì ủng hộ quyết định tiếp tục hậu thuẫn các nhóm vũ trang tại Idlib.

Về cơ bản, dù Ankara có nỗ lực hỗ trợ thì kết quả vẫn sẽ là vô vọng khi không thể ngăn được bước tiến của Damascus chống lại lực lượng đối lập. Sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho các nhóm vũ trang ở Idlib có thể sẽ khiến cuộc chiến trở nên giằng co, kéo dài hơn, nhưng sẽ không thay đổi kết quả thất bại cuối cùng.

Mỹ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thế nào?

Nhìn ở khía cạnh bên ngoài, Mỹ có thể chia sẻ lợi ích chồng chéo với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là khi Ankara và Moscow đang bị lôi kéo vào vòng xoáy căng thẳng mới. Đã có nhiều quan điểm cho rằng Washington muốn lợi dụng tình hình lúc này để quay trở lại Syria, chiếm lĩnh ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sự trở lại của Mỹ sẽ không mang đến nhiều ý nghĩa. Washington có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng chính quyền Tổng thống Assad mới là người thắng cuộc chiến quyền lực ở Syria một cách toàn diện và khó có thể phủ nhận.

Chiến sự Syria: Thấu hiểu Idlib là vũng lầy khó thắng, Mỹ khuyên Thổ Nhĩ Kỳ buông súng? - Ảnh 2.

Mỹ luôn khao khát có một cơ hội để khiến Nga suy yếu nhưng Idlib không phải là nơi để làm điều này.

Bởi vậy, lựa chọn của Mỹ lúc này nên là tránh lãng phí thời gian, nhân lực cho việc sa vào một cuộc chiến không mang lại lợi lộc gì. Họ nên xem xét cách tránh những rủi ro leo thang ngoài ý muốn, thay vì khuyến khích Ankara tiếp tục một cuộc chiến mà vừa không thể chiến thắng, lại tổn thất tiền bạc.

Trong một cuộc chiến công bằng, quân đội Syria không thể sánh được với các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Idlib không phải là một chiến trường công bằng như vậy.

Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ chọn leo thang xung đột với chính quyền Syria, nước này sẽ có vấp phải sự phản đối gay gắt từ Nga. Tổng thống Putin có thể làm đảo lộn sự cân bằng của cuộc chiến theo nhiều cách.

Theo đó, lực lượng Nga ở Syria có thể không xung đột trực tiếp với binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sẽ khiến lực lượng này gặp khó khăn bằng cách không kích các tuyến đường tiếp tế hoặc mở rộng cuộc chiến vào các khu vực Ankara chiếm đóng dọc theo biên giới.

Mỹ luôn khao khát có một cơ hội để khiến Nga suy yếu nhưng Idlib không phải là nơi để làm điều này. Phương Tây khó có thể làm gì hơn là tiếp tục đưa ra những tuyên bố phản đối vô thưởng vô phạt đối với Moscow ở Idlib.

Ở cấp độ quân sự, nguy cơ leo thang với Nga vượt xa lợi ích so với việc bảo vệ cho quân nổi dậy Syria, khiến cho một phương án đưa quân của phương Tây luôn bị loại ra khỏi bàn thảo luận.

Đối với NATO, liên minh sẽ không thể làm gì nhiều hơn trong trường hợp không có chỉ đạo từ Washington. Do đó, kế hoạch hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ là không bền vững.

Ankara không thể và sẽ không bao giờ bảo vệ được Idlib mãi mãi. Để làm như vậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải trở thành lực lượng chính đối chọi với quân đội Syria, và sau đó có sự yểm trợ hoàn toàn từ phiến quân trong khu vực.

Ankara đã tìm cách giảm bớt gánh nặng, chuyển giao trách nhiệm cho các nhóm phiến quân hậu thuẫn. Nhưng các nhóm này vẫn không thể hoạt động theo những cách cơ bản mà không có sự hỗ trợ đáng kể từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ít quan tâm đến việc các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ bị sa lầy trong một cuộc chiến không thể cứu vãn ở Syria.

Washington hiểu rằng, các lựa chọn của mình lúc này là cực kỳ hạn chế. Đã đến lúc Mỹ chuẩn bị tinh thần cho việc Idlib sẽ được Damascus chiếm lại và chấp nhận một cơn thịnh nộ khiến quan hệ u ám thêm nữa từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại