Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam

Việt Linh |

Triển lãm trưng bày hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu về Giảng Võ trường và toàn bộ bộ sưu tập vũ khí thời Lê – bảo vật quốc gia, được Bảo tàng Hà Nội lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 1.

Nhân dịp kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2023), hưởng ứng Tuần lễ thiết kế sáng tạo năm 2023, Bảo tàng Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tổ chức triển lãm chuyên đề "Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê”. Trong đó, bộ sưu tập vũ khí thời Lê đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 2.

Lịch sử của Giảng Võ trường được hình thành từ đầu thế kỷ XV, sau khi khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Minh thắng lợi, nhà Lê được thành lập. Cùng với sự phục hưng phát triển kinh tế - văn hóa thì việc quan tâm đến xây dựng và phát triển quân đội cũng được triều đình quan tâm chú ý, trong đó có việc xây dựng Giảng Võ trường - nơi đào tạo chỉ huy và quân sĩ quân đội.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 3.

Theo tài liệu lịch sử ghi chép, Giảng Võ trường là trường võ bị quốc gia đầu tiên của kinh thành Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của triều đình phong kiến. Đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long (gồm: Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh - quận Ba Đình ngày nay), xưa được gọi là "Thập tam trại" đã trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn tập quân sự lớn. Nhiều cuộc luyện quân diễn võ quy mô đã được tổ chức tại đây. Theo sử sách, năm 1481, Lê Thánh Tông xây dựng Điện Giảng Võ với quy mô lớn. Mùa đông tháng 10 thì "đào hồ Hải Trì quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện điểm duyệt binh mã".

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 4.

Di tích điện Giảng Võ, sân điện Giảng Võ, các trường đấu võ, trường bắn... nằm trong khu vực gọi chung là trường Giảng Võ. Qua các di vật kiến trúc gốm, gỗ phát hiện được có thể khẳng định đây là một công trình có quy mô lớn, thể hiện về một trường võ bị quốc gia thời Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18). Tuy nhiên đến nay trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Giảng Võ trường giờ chỉ còn lại trong ký ức và sử sách. Người đời sau chỉ biết có một Giảng Võ trường ở phía Tây kinh thành, nơi súng nổ, ngựa hý, quân reo mang âm hưởng hào hùng của một thời.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 5.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa (Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội), tại trưng bày "Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê", Bảo tàng Hà Nội giới thiệu bộ sưu tập vũ khí gồm 111 hiện vật, thuộc 13 nhóm, được phân loại theo chức năng sử dụng, gồm: bạch khí (lao một ngạnh, lao hai ngạnh, mũi trường, câu liêm, đinh ba, kiếm và qua chỉ) và hỏa khí (súng lệnh và đạn), trong đó bạch khí chiếm 83%. Trong bạch khí, chủ yếu là loại đánh gần và xa, vũ khí phòng ngự chỉ chiếm 1,8%..

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 6.

Các mẫu vật vũ khí câu liêm được trưng bày trong triển lãm.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 7.

Câu liêm được sử dụng nhiều trong thủy chiến hoặc chiến đấu trên lưng voi, nhằm tăng sức phòng thủ. Khả năng sát thương của chúng cũng cao hơn các loại vũ khí khác, bởi chúng có thể vừa đâm, vừa móc. Loại binh khí này được quân đội nhà Lê sử dụng phổ biến và cũng cho thấy giai đoạn này, thủy quân rất được chú trọng đào tạo.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 8.

Lao là một loại vũ khí đặc sắc trong hệ thống vũ khí dưới thời Lê. Với hình dáng thuôn và nhọn về phía trước, khi ném khỏi tay binh sĩ, lao có thể đánh địch ở cự ly xa. Tiết diện mặt cắt của lưỡi lao là hình thoi, tạo ra mũi rất khỏe và nặng, có sức công phá cao khi ném đi. Đặc biệt, từ mũi lao đi xuống chuôi lao có chế tác thừa ra 1 hoặc 2 mũi ngọn, được gọi là ngạnh. Ngạnh có tác dụng khiến sau khi đã ném trúng mục tiêu, việc rút mũi lao ra rất khó. Với 2 ngạnh tựa như cánh én, mũi lao khi đã được phi ra rất nhanh và mạnh, gây khiếp sợ cho nhiều kẻ địch.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 9.

Việt Nam là một quốc gia sử dụng súng ống tương đối sớm so với các quốc gia đồng văn khác. Các súng lệnh dưới thời Lê được chế tác bằng đồng. Chúng được sử dụng nhằm phóng pháo hiệu chỉ huy, tiến hay lùi theo màu sắc pháo hiệu cháy phát ra. Đây cũng là loại khí tài không thể thiếu trong quá trình huấn luyện binh lính. Trên thân súng có 3 chi tiết gồm 2 trụ dài và 1 gờ nổi có lỗ nhỏ để tra thuốc mồi gây nổ.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 10.

Năm 1983-1984, hơn 300 vũ khí bằng sắt, đạn đá thuộc thời Lê đã được phát hiện dưới lòng hồ Ngọc Khánh. Cũng dưới lòng hồ, còn phát hiện thêm dấu tích lò bễ, cục xỉ sắt và một số món đồ đang chế tạo dang dở, cho thấy vũ khí được sản xuất tại chỗ. Điều này cho phép giới nghiên cứu xác định khu vực này từng là trường Giảng Võ dưới thời Lê - vốn là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của triều đình phong kiến đóng đô trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 11.

Mũi giáo hình ngòi bút, dài 16cm. Được đúc nổi sống ở giữa, mỏng dần ra hai phía tạo thành hai lưỡi sắc ở hai bên.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 12.

Kiếm dài (trường kiếm) và kiếm ngắn (đoản kiếm). Ở trường Giảng Võ, kiếm là khí tài để luyện tập và thi cử, là vũ khí để khảo sát, xếp hạng quân sĩ.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 13.

Móc câu chùm dùng để quăng, móc đối phương, giật mạnh cho ngã, kéo lê trên mặt đất. Móc câu chùm cũng được trang bị cho thủy quân.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 14.

"Chông củ ấu" để rải trên mặt đất, đặc điểm là bất cứ chiều nào cũng có một mũi hướng lên trời.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 15.

Tín bài An Đông, còn được gọi là "mộc bài" hay "quân hiệu", làm bằng gỗ lim, có lỗ xỏ dây để đeo, đây là di vạt hiếm thấy. Mặt trước thẻ bài khắc nổi chữ Hán "An" mặt sau khắc chữ "Đông" và hai chữ nhỏ bên phải là chữ Kiên, bên trái là chữ Vũ. Theo sách Khâm định Việt sử thông cương giám mục chép: Quý Sửu (1613), tháng 8 mùa thu, sai Trịnh Tráng đi kinh lý vùng Yên Quảng. Lúc ấy mới dẹp bình được đảng giặc nên hạ lệnh cho Trịnh Tráng đi kinh lý địa phương này, chiêu tập vỗ về nhân dân. Sau đó Tráng để viên tướng thuộc dưới quyền mình ở lại trấn giữ rồi về kinh sư". Sự kiện này chứng tỏ rằng vùng Yên Quảng (Hải Đông) được mệnh danh đạo quân An Đông. Viên tướng chinh phạt miền này được phong An Đông tướng quân. Chiếc mộc bài An Đông này cho phép khẳng định rằng vệ quân An Đông đã có lần về thao luyện tại Giảng Võ trường.

Chiêm ngưỡng hàng trăm loại vũ khí cổ, vén màn bí mật về Học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 16.

"Đa số vũ khí ở bộ sưu tập này bằng sắt, nó thể hiện sự phát triển trong sáng tạo vũ khí của người Việt. Những hiện vật này nếu so sánh với các nước khác thì có kích thước, trọng lượng phù hợp với vóc dáng, sức khỏe và cả địa hình. Điều này cho thấy sự cải biến trong chế tạo vũ khí của người xưa. Đây là bộ sưu tập đầy đủ nhất, đa dạng nhất về các loại hình binh khí của Việt Nam bằng chất liệu sắt được phát hiện ở Thăng Long - Hà Nội cho tới thời điểm này" - bà Hòa thông tin thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại